Có nên tăng chỉ tiêu đào tạo bác sĩ, dược sĩ?

Gửi ý kiến đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị tăng chỉ tiêu đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học; có cơ chế chính sách tuyển dụng cho các tỉnh miền núi, tỉnh khó khăn; đầu tư cơ sở vật chất cho công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, hệ thống y tế dự phòng cấp tỉnh, huyện.

Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời cử tri tỉnh Lạng Sơn như sau:

Về kiến nghị tăng chỉ tiêu đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học, nhu cầu bác sĩ và dược sĩ (đại học) được nhiều tỉnh, thành phố đề xuất với Bộ Y tế từ nhiều năm nay do vai trò quan trọng của họ trong hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân. Để giải quyết tình trạng này, từ năm 2000, chỉ tiêu tuyển bác sĩ, dược sĩ đại học đã tăng lên và đạt đến mức tối đa so với năng lực đào tạo của các trường.

Theo số liệu báo cáo của các cơ sở đào tạo, năm 2015 và 2016, mỗi năm toàn quốc có khoảng 8.000 bác sĩ ra trường. Năm 2015, toàn quốc có hơn 10.000 bác sĩ nhập học, chỉ tiêu của 2016 gần 11.000 bác sĩ. Đối với dược sĩ đại học, năm 2015 có khoảng gần 3.000 dược sĩ ra trường, năm 2016 có gần 3.500 dược sĩ ra trường. Số lượng sinh viên dược đại học năm 2015 là hơn 8.000 sinh viên và là gần 9.000 ở năm 2016.

Qua số liệu trên có thể thấy, chỉ tiêu đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học hiện nay rất lớn. Số lượng bác sĩ, dược sĩ ra trường sẽ tiếp tục tăng đáng kể trong các năm tới và có thể cung cấp đủ bác sĩ, dược sĩ đại học cho hệ thống y tế.

Số chỉ tiêu hiện nay có thể nói đã ở mức tối đa so với năng lực của các cơ sở đào tạo. Việc tiếp tục tăng chỉ tiêu sẽ dẫn tới tình trạng chất lượng đào tạo tiếp tục giảm và chất lượng nhân lực y tế sẽ bị ảnh hưởng.

Trong thời gian qua, để hỗ trợ các tỉnh, thành thuộc các khu vực khó khăn, theo thẩm quyền được giao, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ bố trí chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ nhân lực y tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đào tạo theo địa chỉ chỉ góp phần tăng số lượng và chưa góp phần tương xứng để tăng chất lượng dịch vụ y tế.

Bộ Y tế nhận thấy giải pháp đào tạo chỉ là một phần trong các giải pháp nhằm tăng số lượng bác sĩ, dược sĩ công tác tại mỗi địa phương. Để có thể tăng cường cả chất lượng và số lượng đội ngũ nhân lực y tế, các tỉnh cần chú trọng các giải pháp, cơ chế về tuyển dụng, sử dụng để có thể thu hút nhân lực có chất lượng về công tác tại địa phương.

Nhiều địa phương đã có chính sách thu hút nhân lực y tế

Chính sách tuyển dụng công chức, viên chức nói chung và cán bộ y tế cho các tỉnh miền núi, các tỉnh khó khăn nói riêng được phân cấp cho các tỉnh thực hiện theo quy định của Pháp luật.

Đối với đối tượng công chức, việc tuyển dụng được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 quy định về tuyển dụng, sử dụng quản lý công chức và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác.

Đối với đối tượng là viên chức, việc tuyển dụng được thực hiện theo quy định của Luật Viên chức , Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các văn bản liên quan khác.

Các chính sách ưu tiên trong tuyển dụng do Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý Nhà nước về công chức, viên chức ban hành hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã xây dựng các chính sách thu hút, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực y tế, tuy nhiên, các cơ chế chính sách tuyển dụng phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương

Bộ Y tế luôn coi công tác y tế dự phòng (trong đó có vệ sinh an toàn thực phẩm) là vấn đề chủ yếu và quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, dập dịch kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/1/2013.

Giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong 4 Chương trình mục tiêu Quốc gia ngành Y tế đã được Quốc hội thông qua và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, các cơ sở vật chất, trang thiết bị liên quan đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (bao gồm các Labo kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm đặt tại các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm) đã được Bộ Y tế quan tâm và đầu tư bước đầu tại 11 tỉnh nghèo, miền núi, khó khăn, với tổng kinh phí đầu tư bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương là 105.700 triệu đồng.

Giai đoạn 2016-2020, mặc dù không có Chương trình mục tiêu Quốc gia ngành Y tế, Bộ Y tế cũng vẫn đề xuất và đã được các Bộ, ngành chức năng thẩm định, đang trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư để được thực hiện 2 Chương trình mục tiêu: Y tế - Dân số và Hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương.

Theo đó, dự án sẽ tiếp tục bổ sung có mục tiêu từ nguồn vốn đầu tư phát triển Trung ương để đầu tư cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị cho các Trung tâm y tế dự phòng và Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tuyến tỉnh, vùng gồm trung tâm y tế dự phòng, y học lao động và vệ sinh môi trường, phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống lao, phòng chống sốt rét, da liễu, trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, trung tâm giám định, trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, trung tâm tư vấn và dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình, chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, bệnh viện, trung tâm khám chữa bệnh công lập tuyến tỉnh… nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đang đầu tư dở dang hoặc chưa được đầu tư, trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các tỉnh nghèo, không tự cân đối được ngân sách.

Theo Chinhphu.vn