Có nên giảm năm đóng BHXH, giảm tuổi nghỉ hưu?

Theo Luật BHXH hiện hành, người lao động để được hưởng lương hưu hàng tháng thì ngoài điều kiện về tuổi đời, còn có điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu phải đủ 20 năm. Quy định này nhằm đảm bảo khả năng cân đối tài chính BHXH, người lao động phải tích luỹ đủ số năm đóng vào quỹ BHXH thì mới được hưởng chế độ hưu.

Thời gian đóng BHXH của nữ giới nên giảm xuống 15 năm

Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII, cử tri tỉnh Hải Dương cho rằng quy định thời gian đóng BHXH chung là 20 năm trở lên sẽ được hưởng chế độ hưu trí là không công bằng vì thời gian lao động của nữ chỉ đến 55 tuổi trong khi nam giới là 60 tuổi. Cử tri đề nghị thời gian đóng
BHXH của nữ giới nên giảm xuống 15 năm.


Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri như sau:

Một trong những nguyên tắc khi thực hiện chính sách BHXH là “mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH”, theo đánh giá tài chính quỹ BHXH với quy định về mức đóng, hưởng trong chính sách BHXH hiện hành thì số tiền hưởng bình quân trên một người lao động hiện nay đang cao hơn nhiều so với số tiền người đó đóng góp tích lũy được.

Theo quy định của Luật BHXH hiện hành, người lao động để được hưởng lương hưu hàng tháng thì ngoài điều kiện về tuổi đời, còn có điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu phải đủ 20 năm. Quy định này nhằm đảm bảo khả năng cân đối tài chính BHXH, người lao động phải tích luỹ đủ số năm đóng vào quỹ BHXH thì mới được hưởng chế độ hưu hàng tháng.

Do tuổi nghỉ hưu của nữ thấp hơn nam 5 tuổi, nên khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% thì nữ chỉ cần 25 năm đóng BHXH, trong khi đó nam phải cần 30 năm đóng BHXH. Như vậy, lao động nữ khi nghỉ hưu ở tuổi 55 và có 25 năm đóng BHXH hưởng tỷ lệ lương hưu bằng nam giới nghỉ hưu ở tuổi 60 và có 30 năm đóng BHXH.

Luật BHXH năm 2014 sửa đổi quy định về công thức tính lương hưu của luật hiện hành theo hướng có lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, theo đó để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% thì lao động nam cần 35 năm đóng BHXH và lao động nữ cần 30 năm đóng BHXH. Riêng đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở cấp xã khi nghỉ việc chỉ cần có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu.

Cũng liên quan đến vấn đề này, cử tri TP. Hà Nội đề nghị sửa đổi Luật BHXH theo hướng giảm độ tuổi nghỉ hưu đối với công chức xã miền núi xuống nam 55, nữ 50.

Trả lời vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

Theo quy định tại tiết b khoản 1 Điều 50 Luật BHXH hiện hành, người lao động có đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH được hưởng lương hưu khi nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

Như vậy, đối với người lao động (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã) có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu được giảm tối đa 5 tuổi so với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường mà không phải trừ % tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.

Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 vẫn giữ nguyên quy định trên về tuổi nghỉ hưu của Luật BHXH hiện hành đối với các đối tượng này.
Theo Chinhphu.vn