Cô giáo miền Tây sáng chế sản phẩm độc đáo, giúp hàng chục hộ thoát nghèo

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Sau 10 năm tâm huyết, bà Đào đã tạo ra loại nhang thờ vừa thơm vừa an toàn, lại xua được muỗi. Sản phẩm bán chạy trong nước, tạo công ăn việc làm cho hàng chục người.

Bà Ngô Song Đào (51 tuổi, ngụ tại xã Hòa Lộc, Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) hiện đang là giáo viên dạy môn Sinh học tại một trường cấp 2 ở địa phương. Bà Đào là giáo viên dạy giỏi có tiếng với thành tích bồi dưỡng, góp phần giúp các học sinh của mình đoạt 10 giải thưởng tại các cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia trong 9 năm qua.

Bà cũng là một doanh nhân có thành tựu, đã sáng chế ra công thức làm nhang thờ kết hợp công dụng xua muỗi độc đáo, tạo ra sản phẩm được thị trường ưa chuộng.

Cô giáo miền Tây sáng chế sản phẩm độc đáo, giúp hàng chục hộ thoát nghèo

Công sức 10 năm vượt khó

"Chừng 10 năm trước, báo đài nói rất nhiều về mức độ nguy hại của nhang xua muỗi (hương muỗi - PV). Người ta ước tính, đốt mỗi cây nhang xua muỗi, lượng khói độc tỏa ra tương đương khoảng 100 điếu thuốc lá. Không chỉ vậy, các nhà khoa học cũng phân tích trong khói nhang thờ có các chất độc hại như benzen, lưu huỳnh dioxide.

Ở miền Tây, sông nước nhiều, muỗi nhiều, hầu như nhà nào cũng sử dụng nhang muỗi hàng ngày. Bên cạnh đó, hầu hết mọi nhà đều có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nên nhang thờ cũng được sử dụng thường xuyên. Tôi đã trăn trở, suy nghĩ rất nhiều về việc mình có thể làm gì để góp phần thay đổi thực tế đó.

Với ý tưởng sản xuất một loại nhang thờ sạch, không phát sinh khói độc và có công dụng xua muỗi, tôi đã mất nhiều năm với hơn 30 lần thử nghiệm mới có được sản phẩm như hiện tại", bà Đào chia sẻ.

Cô giáo miền Tây sáng chế sản phẩm độc đáo, giúp hàng chục hộ thoát nghèo - 1

Hoạt động sản xuất tại xưởng nhang (Ảnh: Nguyễn Cường).

Bà Đào cho biết, khi mới manh nha ý tưởng bà đã nghĩ ngay đến việc dùng lá cây quao nước làm nguyên liệu chính vì đây là cây thuốc Nam có tác dụng xua muỗi đã được sử dụng từ bao đời nay. Tuy nhiên bột lá quao không kết dính, không duy trì cháy và khói không có mùi, chỉ đạt một trong rất nhiều tiêu chí.

Cô giáo miền Tây tiếp tục thử dùng những loại thảo dược có tinh dầu làm phụ gia để nhang tạo ra mùi khói thơm và duy trì cháy. Bà cũng tìm loại lá có chất nhầy trộn vào nguyên liệu để tạo độ kết dính.

"Các yêu cầu của nguyên liệu là xua muỗi, duy trì cháy, kết dính, tỏa khói thơm, không độc, không ám vàng trần nhà. Tuy nhiên không phải cứ có nguyên liệu phù hợp cho vào máy xay nhỏ là làm thành nhang được.

Phải thực nghiệm hàng chục lần mới ra được công thức phối trộn tối ưu, tiếp đó lại phải thực nghiệm để có được công thức bột nhang tốt nhất. Mình không có kiến thức, kinh nghiệm gì, lần mò làm từng bước nên rất vất vả", bà Đào kể về từng công đoạn.

Cô giáo miền Tây sáng chế sản phẩm độc đáo, giúp hàng chục hộ thoát nghèo - 2

Chỉ cần cho bột nhang và lõi tre vào đúng vị trí, máy sẽ tạo ra que nhang thành phẩm, công việc khá nhẹ nhàng phù hợp với phụ nữ lớn tuổi (Ảnh: Nguyễn Cường).

Năm 2017, có được công thức làm nhang mới, bà Đào đã đưa sản phẩm đi kiểm định, được xác nhận không chứa các chất độc hại. Tiếp đó cô giáo sinh học đã đăng ký bảo hộ độc quyền cho công thức làm nhang của mình rồi "đánh liều" vay 500 triệu đồng mở xưởng sản xuất.

"Số tiền 500 triệu đồng với một giáo viên cấp 2 ở quê là rất lớn, mình lại không hề có kiến thức kinh doanh nên lúc đó thấy liều lắm. Thế mà có phải cứ làm là suôn sẻ đâu, trầy trật mãi, hồi đầu không biết tiếp thị nên nhang không bán được, suýt phá sản", bà Đào nhớ lại giai đoạn khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp.

Luôn nghĩ cho người nghèo

Để giảm chi phí và tối ưu hiệu quả sản xuất, cùng với đó là mang tinh thần nhân văn vào sản phẩm, bà Đào đã chọn dùng lao động là những phụ nữ trên 50 tuổi, thuộc diện nghèo, thiếu việc ở trong vùng. Những người này giúp bà Đào có lao động tại chỗ còn xưởng nhang giúp họ thoát nghèo. Đối với những người không tìm được việc làm, mức lương 25 nghìn đồng mỗi giờ làm ở xưởng nhang là khá ổn, công việc lại đơn giản, không nặng nhọc hay nguy hiểm.

Cô giáo miền Tây sáng chế sản phẩm độc đáo, giúp hàng chục hộ thoát nghèo - 3

Sản phẩm được tuyển lựa kỹ càng (Ảnh: Nguyễn Cường).

Xưởng hoạt động dần ổn định, hàng làm ra được thị trường chấp nhận, bà Đào có vốn xoay vòng. Cuối năm 2017, với công thức làm nhang độc lạ và mô hình sản xuất có tính nhân văn, dự án khởi nghiệp của bà đã đạt giải khuyến khích trong cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia.

Năm 2020, nhang xua muỗi của bà được công nhận là sản phẩm tiêu biểu của Bến Tre. Bà cho biết, hiện nhang do cơ sở của mình sản xuất đã được bán khắp cả nước, được định vị thuộc nhóm nhang cao cấp.

Hiện xưởng của bà có công suất sản xuất 600 nghìn cây nhang mỗi tháng, hoạt động đều đặn, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động và tạo thêm thu nhập cho hàng chục hộ trồng quao nguyên liệu.

Cô giáo miền Tây sáng chế sản phẩm độc đáo, giúp hàng chục hộ thoát nghèo - 4

Nhang thành phẩm cần phơi nắng 2 giờ trước khi đóng gói (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Nhang khi đốt có mùi thơm dịu nhẹ, phảng phất như mùi hoa cỏ đồng quê, dễ chịu mà không kích ứng. Ngoài thị trường trong nước, hiện có một số đơn vị nước ngoài đang tìm hiểu sản phẩm của chúng tôi.

Tôi đang nhắm đến thị trường Nhật Bản và sẽ cố gắng đáp ứng những yêu cầu từ đối tác để hàng có thể xuất khẩu, từ đó tạo điều kiện mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều công việc cho bà con nghèo", bà Đào nói.

Bà chia sẻ, thấu hiểu sự khó khăn của học sinh nghèo trong vùng, năm nào xưởng cũng trích số tiền lớn hỗ trợ học phí, sách vở, quần áo cho các em trước khi vào năm học mới. Đến nay, bà đã hỗ trợ trên 600 triệu đồng cho các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương.

Cô giáo miền Tây sáng chế sản phẩm độc đáo, giúp hàng chục hộ thoát nghèo - 5

Bà Đào (áo đen) đang giới thiệu sản phẩm với đoàn khách nước ngoài (Ảnh: Nguyễn Cường).

Nhờ xưởng nhang của bà Đào mà vợ chồng bà Trần Thị Ánh (60 tuổi, ngụ tại xã Hòa Lộc) có việc làm để thoát nghèo và có tiền cho con đi học đại học. Cũng nhờ xưởng nhang của bà Đào, bà Nguyễn Thị Út (67 tuổi, ngụ xã Hòa Lộc) có tiền lo cho 2 đứa con bại liệt kể từ khi chồng mất. Không chỉ bà Ánh, bà Út, những người làm ở xưởng nhang đã từng nghèo, rồi đã thoát nghèo, cuộc sống đang khá lên từng ngày.

Với những cống hiến của mình, bà Đào vinh dự nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều bằng khen của UBND tỉnh Bến Tre.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre cho biết: "Bà Đào là một phụ nữ tiêu biểu của tỉnh. Với đóng góp của mình vào công tác giảm nghèo và các công tác xã hội khác, năm 2020, bà Đào đã vinh dự nhận được giải thưởng Phụ nữ Việt Nam".