1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cô gái xứ Quảng bán bánh đậu xanh, thu trăm triệu mỗi tháng

Ngô Linh

(Dân trí) - Mong muốn tự thân lập nghiệp, chị Trần Thị Ánh Tuyết (33 tuổi) quyết định bỏ phố về quê ở Quảng Nam sản xuất, kinh doanh món bánh đậu xanh dân dã, không ngờ doanh thu đạt hơn trăm triệu mỗi tháng.

Nhiều lần thất bại, tưởng bỏ cuộc

Chị Trần Thị Ánh Tuyết (33 tuổi, trú tại thôn Khánh Mỹ, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa - ĐH Đà Nẵng năm 2012, chuyên ngành công nghệ thực phẩm.

Cô gái xứ Quảng bán bánh đậu xanh, thu trăm triệu mỗi tháng - 1

Chị Trần Thị Ánh Tuyết (33 tuổi) với sản phẩm bánh đậu xanh đặc sản quê (Ảnh: Ngô Linh).

Tốt nghiệp đại học, Tuyết bám trụ tại TP Đà Nẵng với công việc KCS (kiểm soát chất lượng sản phẩm). Được một thời gian, nhận thấy đây không phải là niềm yêu thích của bản thân, chị quyết định bỏ phố về quê khởi nghiệp.

"Tôi mong muốn tự thân lập nghiệp, có thể làm chủ công việc của mình. Lúc đó, có người quen gợi ý đến việc phát triển sản phẩm bánh đậu xanh với thị trường còn rộng mở, nghĩ là làm, tôi quyết định thử sức ở lĩnh vực mới này", chị Tuyết nói.

Cô gái xứ Quảng bán bánh đậu xanh, thu trăm triệu mỗi tháng - 2

Quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (Ảnh: Ngô Linh).

Vừa đi làm, Tuyết vừa tranh thủ học làm bánh tại TP Đà Nẵng. Học được một thời gian, chị đành bỏ dở bởi không tìm được hương vị độc đáo của bánh truyền thống trong những công thức mới lạ được truyền dạy.

Không nản lòng, chị Tuyết tìm đến những cơ sở làm bánh đậu xanh truyền thống lâu đời tại TP Hội An với mong muốn học hỏi kinh nghiệm, nhưng đều chỉ nhận những cái lắc đầu từ chối.

"Đó đều là những bí quyết riêng, không dễ truyền dạy nên đành thôi. Tôi bắt đầu tự mày mò tìm công thức độc đáo cho riêng mình. Phải đổ bỏ hàng chục ký đậu xanh, dành hơn một năm nghiên cứu, thử đi thử lại đến nỗi "ám ảnh" mùi đậu mới tìm ra hương vị vừa ý", chị Tuyết nhớ lại.

Nâng tầm bánh quê, 8X kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng (Video: Ngô Linh).

Cuối năm 2018, tận dụng diện tích xưởng ép dầu của ba mẹ chồng, chị bắt tay chế biến những mẻ bánh đậu xanh khô đầu tiên.

Được đào tạo trong ngành công nghệ thực phẩm nên chị Tuyết nắm được quy trình làm bánh, lựa chọn nguyên liệu, các công đoạn sản xuất ddeerv đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nhờ cần cù, chịu khó nên sản phẩm bánh đậu xanh của chị dần có chỗ đứng trên thị trường chỉ sau thời gian ngắn.

"Tôi luôn chú trọng đến tiêu chí chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. Lựa chọn phát triển theo hướng đặc sản quê hương nên phải tạo ra được sản phẩm không chỉ ý nghĩa, mang hương vị quê nhà, mà còn tạo được niềm tin ở khách hàng bởi chất lượng", chị Tuyết tâm huyết.

Doanh thu hơn trăm triệu mỗi tháng

Bước đầu thành công, cuối năm 2019, chị Tuyết quyết định xây dựng nhà xưởng rộng 300m2, đầu tư nhiều máy móc hiện đại như máy hấp, máy ray, máy nhào, máy in, máy đóng gói để mở rộng quy mô sản xuất. Các máy móc này được chính tay chị Tuyết vẽ thiết kế và đặt làm.

Hiện nay, cơ sở của chị Tuyết sản xuất 2 loại bánh là bánh đậu xanh nhân thịt và bánh đậu xanh (bánh chay). Nguồn nguyên liệu thu mua từ người dân địa phương, được chọn lọc, sơ chế cẩn thận trước khi chế biến. Bánh được làm với 100% nguyên liệu từ đậu xanh nguyên chất.

Cô gái xứ Quảng bán bánh đậu xanh, thu trăm triệu mỗi tháng - 3

Cơ sở sản xuất bánh tạo việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương với mức thu nhập 4,5-5 triệu đồng/người/tháng (Ảnh: Ngô Linh).

Bằng bí quyết riêng, không dùng chất bảo quản mà bánh đậu xanh thịt của chị Tuyết có thời hạn sử dụng lên đến 6 tháng, còn bánh đậu xanh chay thì hạn dùng còn lâu hơn.

"Các công đoạn làm bánh đều thực hiện trong môi trường khép kín, tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu vệ sinh thực phẩm. Trong đó, khâu chọn thịt và xử lý nhân là quan trọng nhất, bởi nếu chọn và sơ chế thịt sơ sài thì khi thành phẩm, bánh sẽ không đảm bảo chất lượng, không để được lâu", chị Tuyết chia sẻ.

Bánh đậu xanh nhân thịt Mỹ Khánh của chị Tuyết được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Nam năm 2019.

Hiện mỗi tháng, cơ sở bánh đậu xanh của chị Tuyết sản xuất hơn 2 tấn bánh, doanh thu từ 100-150 triệu đồng/tháng, mức giá dao động 15.000-30.000 đồng/hộp tùy trọng lượng.

Cơ sở cũng đang giải quyết công ăn việc làm cho 7 lao động nữ tại địa phương, với mức thu nhập từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Bằng sự kiên trì, nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện mà thương hiệu bánh đậu xanh của chị Tuyết được người tiêu dùng yêu thích và lựa chọn. Những gói bánh đậu xanh đại diện cho miền quê xứ Quảng có mặt ở khắp các cửa hàng, đại lý, chợ lớn, siêu thị ở Quảng Nam, TP Đà Nẵng, TPHCM, trở thành một món quà đặc sản được nhiều du khách lựa chọn.

Chia sẻ về dự định sắp tới, chị Tuyết cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm bánh mới, đồng thời hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm bánh đậu xanh nhân thịt, đăng ký tham gia OCOP với loại bánh đậu xanh không nhân.