Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4):
Cô gái ngồi xe lăn và hành trình khởi nghiệp từ cây kim, sợi chỉ
(Dân trí) - Nghe Thắm nói thích học nghề may, bố mẹ chỉ lắc đầu. Nhiều chủ tiệm may khi đó cũng ngại nhận người khuyết tật học việc. Ấy vậy mà, cô gái đó giờ đã là chủ một tiệm may "số má" ở xứ Thanh.
Từ cô bé khuyết tật…
Khoảng 20 năm về trước, nhà Thắm nghèo lắm, đông con lại thêm Thắm bị bệnh. Người dân thôn Phú, xã Đông Lĩnh, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa vẫn nhớ như vậy khi nhắc về hoàn cảnh của cô thợ may khuyết tật Phạm Thị Thắm (SN 1992).
Khi Thắm vừa tròn 9 tuổi, căn bệnh viêm tủy ập đến khiến cô bị liệt hai chân. Mặc dù bố mẹ đã chạy chữa nhiều nơi nhưng số phận nghiệt ngã buộc Thắm phải gắn cuộc đời mình trên chiếc xe lăn.
Bệnh tật khiến Thắm chẳng còn được tung tăng với cuộc sống bên ngoài, ngày này qua tháng khác cô chỉ nép mình trong căn phòng nhỏ. Khi vừa học hết cấp 2, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, trường quá xa nên bố mẹ không thể ngày ngày đưa đón con đến trường được nữa, Thắm thôi học từ đó.
"Đó là những năm tháng tăm tối nhất của cuộc đời em. Em từ một cô bé nhanh nhảu trở thành gánh nặng cho gia đình", Thắm tâm sự.
Nhưng chính số phận nghiệt ngã đã thôi thúc Thắm dần ý thức được khả năng sống tự lập từ nhỏ của mình. Sau khi thôi học, cô tham gia lớp học thêu ở địa phương và trở thành thợ thêu tay phụ giúp bố mẹ kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Thế nhưng, thêu thùa vốn không phải ước mơ của Thắm. Từ nhỏ, khi còn điều trị bệnh, Thắm đã vốn bầu bạn với từng cây kim, sợi chỉ để may vá quần áo làm đồ chơi. Rồi Thắm đi đến quyết định phải theo đuổi ước mơ làm thợ may của mình.
Khi đó, Thắm vừa tròn 25 tuổi. Khi Thắm muốn làm thợ may, bố mẹ chỉ biết lắc đầu. Còn các chủ tiệm may chẳng ai dám nhận Thắm vào học nghề, vì đặc thù của nghề may phải dùng đến chân mới làm được.
Nhớ lại ngày mới học nghề, Thắm kể: "Em đi khắp nơi để xin học việc nhưng không ai dám nhận. Nghề may đòi hỏi phải dùng chân để đạp máy, em lại bị liệt hai chân nên mọi người đều bảo không thể học được nghề may. Ngày đó, em như tuyệt vọng với ước mơ của mình".
Đến "cô thợ may đặc biệt"
Qua tìm hiểu, Thắm biết có những loại máy may được chế tạo cho người khuyết tật. Từ đó, cô không từ bỏ ước mơ, Thắm đi đến nhiều nơi và tìm mọi cách để học nghề. Và rồi ngày đó cũng đến.
"Trong một lần tình cờ quen được thợ may Nguyễn Duy Long (Hà Nội) thông qua mạng xã hội facebook. Em được thầy Long nhận làm học viên và tặng miễn phí các khóa học online. Nếu không có thầy Long, em đã không có được như ngày hôm nay", Thắm chia sẻ.
Sau những khóa học online, Thắm được thầy Long gọi ra Hà Nội để chính thức học trực tiếp với các khóa học nâng cao chuyên về thiết kế và may đo. Sau 6 năm nỗ lực phấn đấu, đến nay Thắm đã có một cửa hàng may đo, thiết kế thời trang riêng cho mình tại quê nhà.
Tiệm may "Thắm Ngố" những năm qua đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều khách hàng cả trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa. Họ biết đến cô không chỉ bởi nghị lực sống phi thường mà còn bởi kỹ thuật may thuộc diện có "số má" trong nghề.
Hiện tại, tại cơ sở của Thắm đang có 3 thợ may làm việc. Mỗi ngày, tiệm may của Thắm nhận hàng chục đơn đặt của nhiều khách hàng từ khắp nơi trong tỉnh, thậm chí là thành phố Hà Nội, Sài Gòn. Sau khi trừ các chi phí, Thắm có thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng mỗi tháng.
Chia sẻ về công việc hiện tại, Thắm cho biết: "Hiện cửa hàng em chuyên may và thiết kế áo dài, váy, quần áo cho khách hàng đặt online và đến cắt đo theo yêu cầu tại tiệm may. Đồng thời, em còn nhận may với số lượng lớn cho hai cửa hàng thời trang tại Hà Nội. Công việc hiện tại đối với em phải nói là thành công ngoài mong đợi".
Không chỉ thế, để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ và đam mê với nghề, Phạm Thị Thắm còn mở các khóa dạy may miễn phí qua lớp học online trên youtube và nhận dạy may tại nhà cho những ai có nhu cầu học may nâng cao.
Thắm chia sẻ, hiện cô đã và đang đào tào 5 học viên tại chính cơ sở của mình. Các học viên chủ yếu là ở lân cận thành phố Thanh Hóa và xa nhất là Nghệ An.
"Em đã từng bị từ chối năng lực của mình khi bắt đầu với nghề. Và đến nay em có người theo học thì đó chính là thành công của em, tay nghề của em đã được mọi người công nhận. Việc dạy học online miễn phí cũng vậy, em hy vọng những người khuyết tật như em sẽ có thêm động lực và đam mê, rồi sẽ có người dang tay đón nhận như cách người thầy của em đón nhận em vào nghề", Thắm bộc bạch.
Nói về dự định cho tương lai, Thắm cho biết mong muốn sẽ mở rộng cơ sở may mặc theo quy mô lớn hơn, tạo thêm việc làm và tay nghề cho các bạn trẻ , để không còn là tiệm may "Thắm Ngố" dưới lũy tre làng nữa.