Cô gái 9X hồi sinh làng lụa Mã Châu 600 năm tuổi

Công Bính

(Dân trí) - Lụa Mã Châu nổi tiếng từ thế kỷ XV-XVI. Trải qua hàng trăm năm, làng nghề mai một, người dân bỏ nghề gần hết. Để khôi phục lại làng nghề, cô gái sinh năm 1992 dốc sức lấy lại tên tuổi lụa Mã Châu.

Chúng tôi đến cơ sở lụa của chị Trần Thị Yến (31 tuổi, làng lụa Mã Châu, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) khi chị đang tiếp đoàn khách từ Hội An đến xem mẫu lụa may áo dài.

Sự chuyên nghiệp, sâu sắc và am hiểu đối với lụa Mã Châu đã thuyết phục đoàn khách đặt cọc may 50 bộ áo dài.

Co-gai-9x-hoi-sinh-lang-lua-ma-chau-600-tuoi_congbinh 1

Trần Thị Yến cho biết đầu tư máy móc để cải tiến sản phẩm lụa Mã Châu mới có thể khôi phục lại làng nghề nổi tiếng một thời (Ảnh: Công Bính).

Năm 2014, tốt nghiệp ngành ngân hàng trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Yến quyết định về quê và phụ giúp cho bố.

Thời điểm này, Hợp tác xã tơ lụa Mã Châu đang gặp rất nhiều khó khăn trong đầu ra, không cạnh tranh lại hàng nhập khẩu. Yến giúp bố phụ trách khâu bán hàng, còn bố phụ trách khâu sản xuất, kỹ thuật.

Cô gái 9X hồi sinh thương hiệu lụa Mã Châu một thời vang bóng (Video: Công Bính).

Thời điểm này, tơ lụa Mã Châu gần như vắng bóng trên thị trường do sản phẩm đơn điệu, chất lượng thấp, giá thành cao... Từ con số 0, Yến bắt đầu bôn ba tìm đầu ra cho sản phẩm.

Để sản phẩm tìm lại chỗ đứng trên thị trường, Yến bàn với bố phải cải thiện chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, đầu tư máy móc.

Quá trình tìm kiếm thị trường, thuyết phục khách hàng, Yến đã tốn rất nhiều thời gian, công sức mang lụa Mã Châu của gia đình đi khắp cả nước.

Co-gai-9x-hoi-sinh-lang-lua-ma-chau-600-tuoi_congbinh 2

Trần Thị Yến (bên phải) giới thiệu sản phẩm lụa Mã Châu đến người tiêu dùng (Ảnh: Công Bính).

Ban đầu, khách hàng lắc đầu, nhưng Yến không nản. Mưa dầm thấm lâu, cộng với sản phẩm lụa Mã Châu ngày càng được đổi mới về chất lượng, mẫu mã đa dạng và giá thành hợp lý, khách hàng bắt đầu chú ý đến.

Co-gai-9x-hoi-sinh-lang-lua-ma-chau-600-tuoi_congbinh 3

Khách hàng xem lụa Mã Châu tại cửa hàng trưng bày sản phẩm (Ảnh: Công Bính).

Nói thì đơn giản nhưng bắt tay vào làm không dễ dàng. Yến cho hay thời điểm những năm 2017-2020, hàng lụa công nghiệp trong và ngoài nước tràn ngập thị trường với giá cả rất rẻ, mẫu mã lại đa dạng, đáp ứng thị hiếu của khách hàng.

Muốn tồn tại, lụa Mã Châu phải tìm kiếm thị trường ngách, bởi theo Yến, lụa Mã Châu không thể "đấu tay đôi" với hàng nhập khẩu từ nước ngoài, vì họ có công nghệ, có kỹ thuật làm ra sản phẩm hàng loạt với giá thành thấp.

Yến cho rằng xu hướng thị trường thiên về đa dạng mẫu mã, chất lượng tốt nên sản phẩm công nghiệp của nước ngoài đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng. Sản phẩm thủ công truyền thống của làng nghề nếu không "đua" kịp thì sẽ bị đào thải khỏi thị trường.

"Đó là lý do vì sao lụa Mã Châu tập trung vào thay đổi công nghệ, không tập trung sản xuất thuần thủ công như trước đây", Yến chia sẻ.

Co-gai-9x-hoi-sinh-lang-lua-ma-chau-600-tuoi_congbinh 4-edited-edited.jpeg

Trần Thị Yến với gian hàng giới thiệu sản phẩm tại sự kiện Techfest 2023 ở Quảng Nam (Ảnh: Văn Hoài).

Yến khẳng định hiện sản phẩm của lụa Mã Châu đủ khả năng cạnh tranh với hàng của nước ngoài, vì mẫu mã và chất lượng đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, lụa Mã Châu sử dụng sản phẩm 100% tơ tằm tự nhiên, không dùng sợi công nghiệp.

"Sợi tự nhiên rất khó để sản xuất nhưng hiện cơ sở vẫn giữ và duy trì được. Khách hàng nào đã dùng sản phẩm tơ tằm thủ công sẽ không thích xài sản phẩm khác, kể cả lụa công nghiệp. Lụa Mã Châu có một nhóm khách hàng trung thành và cơ sở đang cố gắng mở rộng khách hàng", Yến nói.

Co-gai-9x-hoi-sinh-lang-lua-ma-chau-600-tuoi_congbinh 5

Hình ảnh lụa Mã Châu và nhà thiết kế Lê Thanh Hòa tại Hàn Quốc tháng 11/2023 (Ảnh: NVCC).

Ông Trần Hữu Phương (55 tuổi), bố của Yến, chia sẻ về quá trình từ Hợp tác xã lụa Mã Châu trở thành Công ty TNHH tơ lụa Mã Châu, ông gặp không ít khó khăn, thách thức.

Ông Phương cho hay từ năm 2007, ông giữ chức Chủ nhiệm Hợp tác xã tơ lụa Mã Châu. Đến năm 2017, mô hình HTX kiểu cũ đã lỗi thời, ông thành lập công ty. Ông hiện làm giám đốc công ty, phụ trách khâu kỹ thuật, còn Yến chuyên lo đầu ra sản phẩm.

Ước mơ của 2 bố con là cải tạo mặt bằng để đón khách du lịch, đầu tư thêm máy móc để sản xuất ra nhiều hơn nữa sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hiện nay, mỗi tháng cơ sở nhập vào 2 tạ tơ tằm, trong đó 30-40% là tơ thủ công tại địa phương, còn lại nhập tơ tằm từ Bảo Lộc, Lâm Đồng. Một tháng cơ sở sản xuất và tiêu thụ 3.000 mét vải, tương đương 500 triệu đồng. Cơ sở có 15 lao động, thu nhập mỗi lao động 5-7 triệu đồng/tháng.

Tơ lụa Mã Châu đang từng bước lấy lại tên tuổi vang bóng một thời. Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch huyện Duy Xuyên - cho biết đây là sản phẩm làng nghề truyền thống và được công nhận sản phẩm OCOP nên có giá trị rất quan trọng trong phát triển du lịch dưới hình thức là điểm đến tham quan làng nghề, mua sắm làm quà tặng.

Lợi thế của lụa Mã Châu là du khách đến tham quan khu đền tháp Mỹ Sơn trên địa bàn huyện đều tham quan, mua sắm lụa, quảng bá hình ảnh, sản phẩm đến thị trường trong nước và ngoài nước; góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện", Phó Chủ tịch huyện Duy Xuyên nói.