Chuyện về lão nông 9 lần đóng vua đi cày Tịch điền
Dù đã hơn 90 tuổi nhưng khi nhắc về câu chuyện 9 lần đóng giả vua đi cày Tịch điền, đôi mắt ông Đinh Trọng Tế ở Đọi Nhất (Nhất Hà, xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) lại sáng lên, và ông kể chuyện minh mẫn lạ thường.
Từ khi còn nhỏ, ông Tế đã được bố mẹ cho học chữ Nho và tìm hiểu, học sách sử nên ông hiểu rất rõ về lịch sử nước Việt xưa. Ông Tế kể: Phát tích Lễ hội Tịch điền có từ mùa xuân Đinh Hợi, năm thứ 8 (987). Ruộng Kim Ngân nằm ở chân núi Đọi, xã Đọi Sơn (nay là xã Tiên Sơn), huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Gần 1.030 năm trước, nhằm thúc đẩy chủ trương khuyến nông, Lê Đại Hành - vị vua khai sáng triều Tiền Lê đã chọn mảnh ruộng dưới chân núi Đọi và đích thân xuống ruộng cầm cày.
Đến thời nhà Lý, lễ này được tổ chức long trọng hơn và là một trong những ngày hội chính của triều đình vào mùa xuân. Đến đời Trần, do nạn giặc Nguyên nên Lễ Tịch điền không mấy quan trọng như trước.
Tuy nhiên, khi có điều kiện, vua vẫn đích thân làm lễ… Năm 2009, sau gần 100 năm ngừng tổ chức, Lễ Tịch điền được chính thức khôi phục tại Đọi Sơn (thuộc tỉnh Hà Nam). Từ khi lễ này được khôi phục, các vị Chủ tịch nước ta cũng đã lần lượt về Đọi Sơn thực hiện nghi thức Lễ Tịch điền vào mùng 5 - 7 tháng Giêng.
Giữa năm 2009, ông Tế được Ban tổ chức Lễ Tịch điền đến tận nhà mời đóng vua Lê Đại Hành đi cày Tịch điền, khiến ông và gia đình rất bất ngờ. "Lúc đó bản thân tôi thấy rất vinh dự và tự hào, nhưng vì tôi có tuổi lại nhận nhiệm vụ nặng nề nên các con, cháu của tôi có phần lo lắng. Về sau thấy tôi quyết tâm nên mọi người cũng ủng hộ"- ông Tế nhớ lại.
Khi đã nhận việc, ông Tế cùng với các thành viên trong đội lễ hăng say luyện tập. Do xuất thân từ con nhà nông, khi 6 tuổi ông đã tự mình điều khiển trâu đi cày thuần thục, nên ngày đầu tập đóng vai vua, ông Tế đã điều khiển trâu đi cày chuyên nghiệp khiến ai cũng phải thán phục.
Ông Đinh Trọng Tế dâng hương tưởng nhớ vua xưa tại đền Lê ở xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Ảnh: Trần Quang
"Khó học nhất là phong thái, hành động của vua xưa. Để học được điều này, tôi phải luyện tập ngày, đêm mới đạt yêu cầu mà Ban tổ chức chương trình lễ hội đề ra" - ông Tế chia sẻ.
"Đêm trước ngày diễn ra Lễ Tịch điền năm đầu 2009, khi ngủ trong nhà mình, tôi còn con mơ thấy vua Lê Đại Hành, người khoác long bào uy nghi hiện về như một điềm báo mộng cho tôi phải noi gương người khích lệ nhân dân yêu thương, gắn bó với ruộng đồng, khích lệ khuyến nông" - ông Đinh Trọng Tế nhớ lại.
Trong 9 lần được lựa chọn đóng vua đi cày trong Lễ hội Tịch điền, ông Tế luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được nhân dân, khách thập phương khen ngợi, đánh giá cao. "Mỗi lần đi cày Tịch điền được bắt tay và được Chủ tịch nước, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương khen ngợi, tôi thấy rất vinh dự, tự hào và mong muốn tiếp tục cống hiến sức mình cho quê hương"- ông Tế bộc bạch.