1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chuyện về "cây sáng kiến" không bằng cấp

Hoàng Lam

(Dân trí) - Chàng trai Hoa Văn Tân (Nghệ An) được đồng nghiệp ngưỡng mộ, lãnh đạo nhà máy ghi nhận và gọi là "cây sáng kiến".

Chuyện về cây sáng kiến không bằng cấp - 1
Từ người thợ may, nhờ sáng dạ, chịu khó học hỏi và tìm tòi, Hoa Văn Tân trở thành nhân viên kỹ thuật có nhiều sáng kiến cải tiến trong sản xuất, làm lợi cho công ty nhiều tỷ đồng.

Bước ngoặt cuộc đời của anh thợ may

Anh Hoa Văn Tân (SN 1987), quê Hưng Nguyên, Nghệ An, hiện là nhân viên kỹ thuật tại Công ty TNHH may Minh Anh - Kim Liên (Khu công nghiệp Bắc Vinh, Nghệ An).

Là người có hàng loạt sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho công ty nhiều tỷ đồng nhưng Tân khá kiệm lời. Chỉ đến khi nhắc đến những sáng kiến đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất, anh mới nói say sưa về những "đứa con tinh thần" này.

Từ chàng thợ may thành "cây sáng kiến"

Sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo, học hết THPT, Tân vào nam làm công nhân may. Thời điểm đó, đây cũng là sự lựa chọn của nhiều thanh niên nông thôn như Tân.

Chịu khó tăng ca, chắt bóp chi tiêu, Tân cũng gửi về được một khoản phụ bố mẹ. Nhưng khi lập gia đình, nhiều khoản phải chi tiêu, nhất là khi vợ chuẩn bị sinh, Tân quyết định đưa cả nhà về quê lập nghiệp. Thời điểm đó là vào năm 2011.

Chuyện về cây sáng kiến không bằng cấp - 2
Các ý tưởng của Tân và đồng nghiệp đều được thực hiện trên các mô hình, cải tiến dần cho đến khi hoàn thiện, ứng dụng vào sản xuất.

"Về quê, với tay nghề sẵn có, tôi xin vào Công ty TNHH Minh Anh - Kim Liên làm thợ may", Tân kể.

Có lẽ chàng trai này sẽ gắn bó với kim, chỉ nếu không tình cờ được lãnh đạo nhìn ra khả năng về kỹ thuật thiên phú. Nói là khả năng thiên phú bởi, từ trước tới nay, anh Tân chưa từng trải qua một lớp học nghề chuyên nghiệp nào ngoài một thời gian ngắn học việc trong cửa hàng sửa chữa thiết bị điện.

Năm 2015, từ vị trí thợ may, anh Hoa Văn Tân được đưa sang Phòng kỹ thuật. Đó cũng chính là bước ngoặt lớn, thay đổi cuộc đời của anh.

"Những kiến thức kỹ thuật của tôi chưa được bao nhiêu nên tôi xác định phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để không phụ lòng tin của các lãnh đạo. May mắn là tôi được các anh chị kỹ thuật đi trước, giàu kinh nghiệm nhiệt tình chỉ dạy, truyền đạt cho", anh Tân tâm sự.

Chuyện về cây sáng kiến không bằng cấp - 3

 Anh Tân máy mò sáng chế ra hệ thống gấp túi đựng xu tự động

Biết được kiến thức chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, anh Tân phải tự học hỏi nhiều hơn. Đi lên từ người thợ may, khi tiếp cận máy móc, với kiến thức thực tế đã trải qua, anh Tân nhìn ra được những bất cập về thao tác, cơ chế hoạt động và tìm cách cải tiến để giảm thiểu công sức, tăng năng suất, sản lượng lao động.

"Cây sáng kiến"

Sự cố gắng, nỗ lực của Hoa Văn Tân đã được lãnh đạo nhà máy và tập đoàn ghi nhận bằng hàng loạt phần thưởng, bằng chứng nhận. Với Tân, đó là động lực để không ngừng cố gắng mỗi ngày.

Chuyện về cây sáng kiến không bằng cấp - 4
Bằng tự học và học từ những người đi trước, Hoa Văn Tân dần thành thạo trong vận hành máy móc, đặc biệt là lập trình hoạt động trên máy vi tính.

Hỏi về số lượng sáng kiến, Tân khiêm tốn nói "không nhớ nổi". "Có những cái chỉ là thay đổi một chút xíu trong quá trình vận hành, cũng có những cái phải mày mò cả tháng trời mới có thể áp dụng vào quá trình sản xuất", anh Tân nói.

Trong những sáng kiến, Tân tâm đắc nhất là lập trình gá gập túi đựng xu quần bò. Chiếc túi đựng xu chỉ là một bộ phận nhỏ trong quá trình sản xuất một sản phẩm hoàn chỉnh nhưng cũng là một trong những công đoạn mất thời gian và nhân công nhất.

Với quy trình sản xuất cũ, mỗi chiếc túi phải sử dụng đến 4 nhân công, từ cắt, là, gấp lấy dấu và may. Các công đoạn phải làm bằng tay, đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ và rất mất thời gian. Do vậy, công đoạn này hầu như chỉ có công nhân có tay nghề lâu năm mới có thể đảm trách.

"Để thay thế các công đoạn bằng tay, tôi thiết kế bộ khung nhựa, sử dụng hệ thống đẩy bằng hơi, lập trình thao tác máy để tự gấp mép và may. Bằng cách này, một công nhân mới vào nghề có thể đảm nhận, giảm 2-3 lao động, tăng năng suất gấp đôi, các sản phẩm làm ra đảm bảo sự đồng đều và tính thẩm mỹ", Hoa Văn Tân say sưa nói về sản phẩm của mình.

Chuyện về cây sáng kiến không bằng cấp - 5
Công nhân mới vào nghề có thể vận hành gá gập túi xu của Tân một cách thành thạo, trong khi đó, trước đây phải là công nhân có tay nghề cao mới đảm nhận được khâu sản xuất này.

Hay đơn giản như gấp đầu dây chun đưa vào thắt lưng quần. Trước đây, công nhân phải tự gấp bằng tay rồi đưa vào máy gập dẫn tới năng suất thấp, mất thời gian, đầu chun gấp không đều, số lượng kim bị gãy lớn. Ý tưởng về que gấp chun bằng kim loại có 2 mấu kẹp của Tân đã hóa giải những bất cập trên, cải thiện cả về tốc độ sản xuất lẫn chất lượng sản phẩm.

Trong quá trình làm việc, không phải ý tưởng nào của Hoa Văn Tân cũng trở thành sáng kiến được áp dụng và sản xuất. Bởi vậy, Tân cho rằng việc học tập, nâng cao trình độ là hết sức cần thiết để có cái nhìn tổng quan hơn về thiết bị, máy móc.

"Sắp tới, nếu được tạo điều kiện, tôi vẫn muốn được theo học các lớp nâng cao tay nghề kỹ thuật một cách bài bản. Có kiến thức, chắc chắn sẽ giúp ích hơn rất nhiều trong quá trình làm việc sau này", anh Tân chia sẻ.

Chuyện về cây sáng kiến không bằng cấp - 6

Nhiều sáng kiến của anh Tân được công ty và tập đoàn ghi nhận.

Ông Trịnh Quang Cường - Trưởng phòng Kỹ thuật, Phó Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH may Minh Anh - Kim Liên đánh giá Hoa Văn Tân là cán bộ kỹ thuật trẻ, cầu tiến và chịu khó học hỏi.

"Các sáng kiến của anh Tân đưa lại lợi ích cho doanh nghiệp, giảm lao động, giảm thời gian thao tác chế tạo sản phẩm, tăng năng suất để đảm bảo được kế hoạch giao hàng cũng như chất lượng sản phẩm cho khách hàng. Trong quá trình công tác, anh Hoa Văn Tân nhận được nhiều giấy khen, bằng ghi nhận và nhiều năm liên tục là lao động tiên tiến", ông Cường cho hay.