Chuyện về 2 ông chủ trẻ của You Tube

Ngày 19/10 vừa qua, Tạp chí Forbes đưa tin: Công ty Google - người khổng lồ về tìm kiếm trên mạng Internet - đã bỏ ra 1,65 tỷ USD để mua đứt trang web chuyên cung cấp các đoạn video miễn phí You Tube.

Đây là một sự kiện chấn động giới truyền thông thế giới vì You Tube chỉ là một website mới ra đời cách đây hơn một năm.

 

Nhưng các nhà phân tích cho rằng, dù phải chi ra khoản tiền lớn như thế nhưng Google vẫn hời vì mỗi tháng có tới 100 triệu lượt người truy cập vào You Tube, đây sẽ là cơ hội quảng cáo tuyệt vời cho họ. You Tube đã trở thành một địa chỉ trên mạng được giới trẻ toàn thế giới yêu thích nhất.

 

Thế nhưng ít người biết rằng “xuất thân” của You Tube rất bình thường, rất nghèo nàn, rằng đây chỉ là ý tưởng phiêu lưu chợt nảy sinh của hai người bạn trẻ. Một trong hai người đó là Trần Sỹ Tuấn (Steve Chen) - một chàng trai Đài Loan cách đây 19 tháng còn đang nợ nần chồng chất. Anh đã thành công đúng theo kiểu “Cô bé Lọ lem” trong truyện cổ tích.

 

Năm nay 27 tuổi, Trần Sỹ Tuấn theo cha mẹ di cư sang Mỹ khi đang học dở tiểu học. Học xong trung học, Tuấn thi vào chuyên ngành máy tính, ĐH Illinois.

 

Vào năm học cuối, Tuấn nhận lời làm cho công ty thanh toán Pay Pal thuộc công ty đấu giá qua mạng eBay, trong thời gian này anh quen một bạn học cùng trường là Chad Hurley. Tháng 1/2005, Tuấn và Chad Hurley rủ nhau bỏ việc trong tình trạng nợ chồng chất.

 

Một tối, 2 chàng quay một đoạn phim video tại dạ hội do một người bạn tổ chức. Họ nảy ra ý định muốn cho mọi người thưởng thức đoạn phim đó, nhưng không gửi nó lên website nào được, vậy là họ quyết định lập một trang web để bản thân và bạn bè có thể thưởng thức những sản phẩm “cây nhà lá vườn”.

 

Không ngờ chỉ sau hơn một năm You Tube đã trở thành kho dữ liệu và nơi cung cấp các video clip khổng lồ, được giới trẻ cả thế giới yêu thích.

 

Ý nghĩa của You Tube là “Truyền hình của bạn” (người Mỹ gọi tivi là Tube). Mới ra đời hơn một năm, You Tube đã chiếm 46% thị phần nghe nhìn trên mạng.

 

Thành lập vào tháng 2/2005, lúc đầu trụ sở của công ty tí hon này đặt trong một gian nhà kho đầy chuột. Cho đến gần đây, khi số nhân viên lên đến 60 người, You Tube mới được chuyển đến một chỗ mới, theo lời Trần Sỹ Tuấn là “rộng hơn một chút, chuột ít hơn một chút”.

 

Với một hình thức mới mẻ nên sau khi ra đời ít lâu, You Tube đã trở nên nổi tiếng, các video clip mới, lạ tới tấp được gửi đến, tác giả toàn là những người dưới 30 tuổi, phần lớn các clip chỉ dài mấy phút nhưng rất thú vị, phong phú, từ những ca khúc hay, điệu nhảy đẹp.

 

Chuyện lạ đến những hình ảnh hài hước về những nhân vật nổi tiếng. Đến nay thì nhiều hãng phim hay đài truyền hình nổi tiếng trên thế giới đều mong sản phẩm của mình được có mặt trên You Tube.

 

Sự phát triển của You Tube thật đáng nể: Tháng 2/2005 sau khi thành lập, số khách viếng thăm You Tube đã ngang bằng trang video của Google. Đến tháng 7, số khách của You Tube đã là 30,5 triệu, Google Video là 9,3 triệu, còn Yahoo Video là 5,3 triệu. Hiện nay mỗi ngày có tới 6,5 vạn đoạn phim video được gửi tới You Tube - thật là một con số khổng lồ.

 

Hiện nay Chad Hurley đang đảm nhận vai trò Tổng giám đốc, còn Trần Sỹ Tuấn là Giám đốc kỹ thuật. Nhờ You Tube, Trần Sỹ Tuấn đã có cả danh lẫn lợi. Tháng 6 vừa qua, trong danh sách Top 50 nhà kinh doanh có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới do tạp chí Business2.0 công bố, tên của Trần Sỹ Tuấn được xếp ở vị trí thứ 28.

 

Do website này cho phép dân mạng thoải mái gửi lên các đoạn phim ngắn nên một số bạn trẻ ngoài việc gửi phim do họ làm ra, còn gửi lên cả những phim truyện nhựa, phim truyền hình, MTV… để mọi người cùng thưởng thức.

 

Một số bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc như “Tôi là Kim San Sun”, “Cung điện”… đều có thể xem thoải mái trên You Tube. Cũng chính vì vậy, một số công ty truyền thông lớn rất bất bình về việc các đoạn phim của họ bị đưa lên You Tube bất chấp bản quyền.

 

Các nhà phân tích cho rằng, với việc mua đứt You Tube, rất có thể Google phải đối mặt với những vụ kiện cáo về bản quyền. Tuy nhiên, người ta cũng cho rằng, với nguồn tài chính khổng lồ và tiềm năng kỹ thuật của mình, Google hoàn toàn có thể giúp You Tube giải quyết được vấn đề bảo hộ bản quyền.

 

Trước việc You Tube bị Google mua đứt, nhiều dân mạng lo lắng đến số phận tương lai của website, nhưng Trần Sỹ Tuấn nói: Cả anh và Chad Hurley đều rất quan tâm đến tính độc lập của You Tube trước khi gia nhập Google. Anh cho rằng với khả năng tài chính và kỹ thuật hùng hậu của Google, You Tube sẽ càng phát triển và phục vụ khán giả ngày càng tốt hơn.

 

Theo Thu Thủy

Tiền Phong