1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chuyến vào nam khởi nghiệp đáng nhớ của đôi vợ chồng trẻ

Xuân Sinh

(Dân trí) - Sau khoảng một năm làm việc ở Đồng Nai, vợ chồng anh Huỳnh quyết định bán nhà ở quê để vào Nam ở lâu dài. Thế nhưng mới được khoảng 2 tháng, vợ chồng anh phải kéo nhau về quê vì dịch Covid-19.

Đó là chuyến vào miền Nam khởi nghiệp đáng nhớ của đôi vợ chồng trẻ Phạm Lý Huỳnh (SN 1989), vợ là Lê Thị Nhung (SN 1993), ở xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh).

Anh Huỳnh và chị Nhung cưới nhau năm 2014, đến nay đã có 2 người con. Đứa lớn năm nay đang học lớp 2, còn đứa bé mới hơn 3 tuổi. Do cả hai đều sinh ra ở miền quê đồi núi, nên sau ngày cưới hai vợ chồng anh cũng bươn chải đủ nghề để kiếm sống. Tuy nhiên, cuộc sống gặp nhiều khó khăn vì công việc không ổn định. Sau nhiều năm, vợ chồng mới cất được căn nhà nhỏ ở khu tái định cư Khe Ná (xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang).

Chuyến vào nam khởi nghiệp đáng nhớ của đôi vợ chồng trẻ - 1

Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Nam, hàng ngàn lao động đã đi xe máy để về quê (Ảnh: Nguyễn Bắc).

Sau thời gian bàn tính, vợ chồng anh Huỳnh quyết định vào miền Nam để lập nghiệp, hy vọng cuộc sống sẽ thay đổi. Anh Huỳnh vào trước, tìm kiếm công việc, khi ổn định sẽ đón vợ vào.

"Được bạn bè giới thiệu, tháng 5/2019 tôi vào làm công nhân cho một công ty chuyên sản xuất về săm lốp. Ba tháng sau, khi mọi thứ tạm ổn định tôi đưa vợ làm", anh Huỳnh cho biết.

Vợ chồng chị làm chung công ty nên mọi việc khá thuận lợi. Lương cơ bản của vợ chồng hơn 10 triệu đồng, chưa kể giờ làm thêm, tăng ca. Đó là mức thu nhập mà anh không bao giờ nghĩ tới ngày còn ở quê.

Khi mọi thứ đã bắt đầu ổn định, tháng 4/2021, vợ chồng anh quyết định bán căn nhà ở quê để vào Đồng Nai định cư. Vợ chồng tính sẽ vay mượn, gom góp để mua một căn nhỏ, rồi đón các con vào. Thế nhưng, khi anh vừa bán nhà được hơn 2 tháng thì dịch Covid-19 bùng phát mạnh.

Chuyến vào nam khởi nghiệp đáng nhớ của đôi vợ chồng trẻ - 2

Anh Huỳnh nhớ lại chuyến khởi nghiệp đáng nhớ của vợ chồng.

Và điều không mong muốn đã đến, tháng 7/2021 công ty của anh thông báo dừng sản xuất. Điều đó đồng nghĩa tạm thời vợ chồng anh cùng nhiều công nhân của công ty không có việc làm.

"Bao nhiêu kế hoạch, dự tính bị vỡ lở. Lúc đó, hai vợ chồng đã suy nghĩ rất nhiều. Có nhiều phương án đã được đưa ra, tiếp tục bám trụ hay là về quê rồi tính phương án khác", anh Huỳnh chia sẻ.

Sau khoảng 2 tuần bám trụ trong căn phòng trọ nhỏ, thấy tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, vợ chồng anh quyết định về quê. Anh gom hết đồ đạc, chất lên chiếc xe máy cũ rồi cùng hàng trăm lao động khác xuất phát về quê.

"Trong thời gian nghỉ dịch, công ty cũng quan tâm hỗ trợ nhiều. Nhưng dịch Covid-19 thời điểm ấy khá phức tạp, công việc thì chưa biết lúc nào sẽ làm trở lại. Chúng tôi tính về quê sẽ tìm hướng đi mới", anh Huỳnh cho biết.

Sau hành trình hơn 2 ngày, 2 đêm với chặng đường hơn 1.000km, vợ chồng anh đã về đến quê. Hiện vợ chồng anh đang phải ở nhờ nhà bố mẹ vì nhà đã bán.

Chuyến vào nam khởi nghiệp đáng nhớ của đôi vợ chồng trẻ - 3

Vợ chồng anh Huỳnh hy vọng năm mới sẽ có nhiều điều may mắn, tốt đẹp đến với gia đình và mọi người.

"Giờ nhà bán rồi nên phải ở nhờ nhà bố mẹ. Chúng tôi dự tính, ăn Tết xong sẽ liên hệ các công ty để đi xuất khẩu lao động, còn không được thì có thể sẽ quay vào Đồng Nai. Mình còn trẻ còn nhiều cơ hội, dù khó khăn nhưng sẽ luôn nỗ lực, cố gắng hết mình để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Năm mới cũng hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp, thuận lợi hơn đến với gia đình và mọi người", chị Nhung chia sẻ.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, số công dân trở về địa phương do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ thời điểm tháng 4/2021, đến nay là hơn 46.000 công dân. Trong đó có hơn 23.000 lao động trở về từ TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình trạng lao động thất nghiệp nhiều, đặc biệt là lao động về từ các tỉnh phía Nam.

Để hỗ trợ kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người lao động,100% cán bộ của Trung tâm Dịch vụ việc làm thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh kịp thời giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tổ chức hàng chục cuộc tư vấn, tuyên truyền cho lao động thất nghiệp, tổ chức hội chợ việc làm để giới thiệu, hỗ trợ cho người lao động.

Đặc biệt, để thích ứng an toàn trong điều kiện dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh đã tổ chức sàn giao dịch việc làm online để giúp người lao động có thể tìm được cơ hội việc làm.