Chuyện những y bác sĩ tuyến đầu trực xuyên Tết

Hai năm chưa về nhà, hai năm đón Tết tại bệnh viện, cô gái trẻ Nguyễn Thị Quỳnh Mai viết thư nhắn nhủ "Cha mẹ, mọi người phải thật khỏe mạnh"... rồi xách ba lô vào Bệnh viện dã chiến số 12 trực Tết.

Chuyện những y bác sĩ tuyến đầu trực xuyên Tết - 1

Nguyễn Thị Quỳnh Mai, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Da liễu TP.HCM ngồi trầm ngâm trong khuôn viên Bệnh viện dã chiến số 12. Đây là năm thứ 2 cô không về quê Hải Dương đón Tết cùng ông bà, cha mẹ.

Năm trước, Hải Dương là "điểm nóng" của dịch Covid-19, Mai không thể về nhà nên xung phong trực Tết tại bệnh viện. Mai gọi điện về an ủi mẹ, mẹ dặn năm sau hết Covid-19, nhất định phải về nhà ăn Tết. Nhưng năm nay, Mai lại một lần nữa lỡ hẹn với mẹ.

Chị tâm sự: "Tôi còn trẻ, chưa vướng bận nhiều, thấy các anh chị đồng nghiệp phải gửi con cho ông bà, người thân để đi chống dịch nên nếu tôi đi trực, sẽ có một chị được ở nhà với con".

Khi chị quyết định ở lại Bệnh viện Dã chiến số 12 trực tết, đang phân vân chưa biết phải nói với mẹ thế nào thì chính mẹ lại gọi điện an ủi chị. Lòng dạ rối bời vì từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Mai không được về nhà, kể cả khi người ông yêu quý của cô trở bệnh nặng rồi mất, Mai cũng không thể về chịu tang.

Chuẩn bị mang mẫu đi xét nghiệm, Mai tâm sự: "Tôi chỉ mong khi mình ở đây chăm sóc cho người bệnh thì ở quê nhà, sẽ có người chăm lo cha mẹ lúc trái gió trở trời. Tôi cũng cầu mong các bệnh nhân ở đây sớm khỏi bệnh để vui tết cùng người thân. Tại đây, có bệnh nhân nhiều năm mới trở về Việt Nam sum họp cùng gia đình". 

Hai năm qua, bác sĩ trẻ Trần Bá Tòng (Bệnh viện Da liễu TP.HCM) đều ăn tết trong bệnh viện. Năm nay đặc biệt hơn là đón giao thừa tại bệnh viện dã chiến. "Tất nhiên, Tết không được về nhà thì hơi buồn, gia đình cũng mong nhưng nhiệm vụ là trên hết. Hết dịch, tôi sẽ đi chơi bù", bác sĩ Tòng nói nhanh rồi tiếp tục đi khám sàng lọc bệnh nhân Covid-19 nhập cảnh.

Chị Phan Thanh Loan - điều dưỡng của Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Trưởng tua trực Khoa ICU số 2A, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 - cùng các đồng nghiệp viết đơn tình nguyện trực trong những ngày tết. Khi chị xin phép ở lại bệnh viện trực tết, mẹ chị hơi buồn nhưng vẫn động viên chị yên tâm ở lại. "Hết dịch mẹ sẽ làm thịt kho hột vịt, bánh tét cho con". 

Cùng ban lãnh đạo bệnh viện, 45 nhân viên y tế, 30 dân quân và nhiều tình nguyện viên, cán bộ phường An Khánh (TP.Thủ Đức), BS.CKII Đoàn Văn Lợi Em - Phó trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Da liễu, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12 - cũng tham gia trực 24/24 xuyên Tết Nguyên đán.

Bệnh viện dã chiến số 12 là bệnh viện dã chiến duy nhất tại TP.HCM tiếp nhận người nhập cảnh dương tính, người nhiễm biến chủng Omicron. Bác sĩ Em cho hay, mỗi giai đoạn, mỗi biến chủng của virus SARS-CoV-2 sẽ có những áp lực khác nhau.

Chuyện những y bác sĩ tuyến đầu trực xuyên Tết - 2

Bác sĩ Tòng và đồng nghiệp đang khám sàng lọc bệnh nhân Covid-19 nhập cảnh. Ảnh: B.D

Nếu như trước đây, bệnh viện gặp áp lực quá tải thì hiện nay áp lực chủ yếu từ công tác phòng lây nhiễm, đặc biệt là biến chủng Omicrom. Do đó, nhân viên y tế luôn cố gắng làm sao đảm bảo tránh lây nhiễm tuyệt đối, không để lan ra cộng đồng.

Ngoài ra, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nhập cảnh bất cứ lúc nào theo thông báo từ cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Có những ngày, nhân viên y tế tiếp nhận bệnh nhân vào lúc 1-2h sáng.

Bác sĩ Em cho biết càng cận kề Tết Nguyên đán, số bệnh nhân nhiễm Covid-19, trong đó có bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron, được chuyển đến bệnh viện càng đông.

Thời gian tới, theo như dự đoán của các chuyên gia dịch tễ, sau Tết Nguyên đán là thời điểm dịch Covid-19 dễ bùng phát trở lại. Các bác sĩ đều nhắc nhở, dù là biến chủng Delta hay Omicron thì người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp 5K để bảo vệ gia đình và chào đón một năm mới trọn vẹn.

Theo Bạch Dương 

Dân Việt

Theo danviet.vn