Chuyện nguy hiểm của những công nhân cống ngầm ở Hà Nội

Dưới lòng cống thoát nước của đường, phố Hà Nội đầy vỏ chai nhựa, rác thải, ni long, kim tiêm… nhưng những công nhân thoát nước vẫn hàng ngày lội, chui xuống miệng cống, hố ga để dọn dẹp, khơi thông lòng cống, đảm bảo việc thoát nước của Thủ đô.

Dưới lòng cống thoát nước của đường, phố Hà Nội đầy vỏ chai nhựa, rác thải, ni long, kim tiêm… nhưng những công nhân thoát nước vẫn hàng ngày lội, chui xuống miệng cống, hố ga để dọn dẹp, khơi thông lòng cống, đảm bảo việc thoát nước của Thủ đô.

Những công nhân thầm lặng làm đẹp cho đời

Hàng ngày có vô số những loại rác thải được đổ, ném xuống hệ thống thoát nước của thành phố, khiến cho nhiều khu vực khi mưa nước thải đã dồn ứ. Để hệ thống thoát nước trong thành phố luôn được thông suốt thì những người công nhân thoát nước hàng ngày phải dầm mình nước cống, hố nước thải hôi hám để nạo vét hố ga, cống ngầm của thành phố Hà Nội.

Để tận mắt xem công việc của các công nhân thoát nước Hà Nội, phóng viên đã theo các công nhân đến khu Khu đô thị Lideco nằm trên đường 32 (thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội). 

Chuyện nguy hiểm của những công nhân cống ngầm ở Hà Nội - 1

Công nhân chuẩn bị triển khai công tác hút bùn, khơi thông hệ thống cống rãnh, thoát nước.

Ông Trương Văn Cương (sinh năm 1974) -  Tổ duy trì 4, Xí nghiệp 6 (thuộc Công ty Thoát nước Hà Nội) mở chiếc lắp cống lên khỏi mặt đường, chiếc cống tối om, nước đen nhưng khá ít, mùi hôi bốc lên từ miệng cống. 

Ông Cương đeo khẩu trang, găng tay lội xuống miệng cống chỉ vài phút lúc sau chiếc xô ông mang theo đã đầy gạch, đá, rác thải túi ni long. Ông bảo, đây là khu đô thị mới, ít người ở nên cống khá "sạch", còn những khu đông dân cư thì chất thải, mùi, nước khủng khiếp lắm.

Ông Cương cho biết: “Đây là một nghề vất vả, chúng tôi phải thường xuyên ứng trực, mỗi khi có trời mưa là chúng tôi phải lao ra đường đến địa bàn quản lý ngay lúc đó. Vào những tháng bão, từ tháng 4 đến tháng 10 là quân số của công ty phải thực hiện, bảo đảm 100% người theo dõi cả ngày lẫn đêm”.  

Chuyện nguy hiểm của những công nhân cống ngầm ở Hà Nội - 2

Ông Cương kiểm tra từng miệng cống.

Cuộc sống của ông Cương cũng như bao công nhân khác quanh năm là những ca ứng trực bất ngờ để làm nhiệm vụ của mình. Khi có mưa bão, người dân thường hối hả về nhà thì những công nhân cống ngầm này lại lao mình ra đường làm công việc chẳng ai biết đến.

Những nguy hiểm bủa vây

Ông Lưu Xuân Giang (sinh năm 1975, phụ trách kỹ thuật Tổ duy trì 4) chia sẻ, công nhân môi trường sẽ được chia thành nhiều tổ như công nhân nạo vét cống ngầm, công nhân nạo vét cống ngang, công nhân nhặt rác, vận hành trạm bơm…

Theo ông Giang, công việc của công nhân cống ngầm vẫn là vất vả nhất. Cống ngầm là cống sâu nhất, có những cống sâu gần 4m nhưng các công nhân cũng phải chui xuống kiểm tra, duy tu. Trước khi xuống, các công nhân sẽ phải kiểm tra bản đồ đường ống cống, sau đó là mực ô xy dưới cống.

Chuyện nguy hiểm của những công nhân cống ngầm ở Hà Nội - 3
Chuyện nguy hiểm của những công nhân cống ngầm ở Hà Nội - 4

Mỗi lần xuống cống, các công nhân phải tiến hành thăm dò địa hình để đảm bảo an toàn cho công việc.

Theo ông Giang, môi trường dưới cống rất nhiều chất thải, khí độc hại. Nếu công nhân không có mặt nạ, quần áo bảo hộ thì khó có thể xuống cống ngay được. Không những vậy, nhiều lúc đang thi công, mỗi người còn thường hay bị nước thải dội trực tiếp vào người, vào đầu do những ống cống của các hộ dân, xí nghiệp đấu nối trực tiếp xuống cống. Cũng có những trường hợp các loại kim tiêm đã qua sử dụng được tìm thấy dưới lòng cống, rất nguy hiểm.

Chuyện nguy hiểm của những công nhân cống ngầm ở Hà Nội - 5

Quang cảnh trong một ống cống đầy rác và nước thải.

Chính vì vậy, công việc này cũng khiến nhiều công nhân gặp rủi ro khi dưới cống sâu nhiều vậy dụng nguy hiểm, sắc nhọn. Đã có những trường hợp công nhân bị các bệnh lý về da, hô hấp sau khi tiếp xúc với những loại hóa chất độc hại dưới cống. Do vậy, để phòng tránh, mỗi công nhân sau khi làm việc thường phải thay ngay quần áo để tránh các chất độc hại ngấm vào người.

Khi hết mưa, hết ngập đường có lẽ người vui nhất là công nhân thoát nước. Bởi lẽ lúc này họ đã hoàn thành xong nhiệm vụ, giúp thủ đô xanh – sạch - đẹp hơn.

Chuyện nguy hiểm của những công nhân cống ngầm ở Hà Nội - 6

Với những cống mất nắp chưa thay thế được ngay, các công nhân sẽ cắm biển báo để đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông.

Cũng theo ông Giang, vào những ngày có dịch bệnh COVID-19, hệ thống cống ga trên đường phố càng trở lên quá tải. Đây là thời điểm người dân thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, sẽ có một lượng lớn rác thải đổ ra đường. Do vậy, công nhân thoát nước thường xuyên phải đi kiểm tra, đề phòng trường hợp vỡ cống ga mà không biết.

Theo Phạm Đông - Thái Hà/Lao động