1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đắk Nông:

Chuyện nghề của những người thợ đi tìm "vàng trắng" giữa đêm đen

Dương Phong

(Dân trí) - Vừa bước sang ngày mới, những cánh rừng cao su đã thấp thoáng ánh đèn người đi cạo mủ. Dưới tán lá rừng rậm rạp, những người thợ khai thác mủ tranh thủ chạy đua trước khi mặt trời mọc.

Mưu sinh dưới rừng cao su

Tầm 1h sáng, sương sớm vẫn còn đặc quánh, tiếng những người đi cạo mủ cao su đã văng vẳng ngoài đường. Ẩn hiện trong màn sương sớm, chỉ có ánh đèn pin và tiếng đôi ba người nói chuyện. Tiếng nói lúc gần lúc xa rồi lại tắt ngỏm khi họ đã đi sâu vào cánh rậm rạp.

Chuyện nghề của những người thợ đi tìm vàng trắng giữa đêm đen - 1

Giữa đêm khuya, những thợ cạo mủ cùng đồ nghề đi sâu vào những cánh rừng cao su.

Nghề khai thác mủ cao su (nghề cạo mủ) khá nhọc nhằn ở vùng đất Đắk Nông này. Công việc của người thợ làm nghề bắt đầu từ lúc gà chưa thức giấc, khi trời còn tối và cái lạnh vẫn thấm từng cơn vào da thịt. 

Cũng như mọi ngày, chị Nguyễn Thị Thúy (35 tuổi, xã Đắk Đrô, huyện Krông Nô) thức dậy chuẩn bị để ra vườn cao su. Đồ nghề của chị chỉ đơn giản, gồm: Chiếc dao cạo, đôi găng tay và chiếc đèn pin đội đầu.

Nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, giúp chị "cảm nhận" được thời điểm nào mủ cho nhiều nhất, thời điểm nào là không còn mủ.

Chuyện nghề của những người thợ đi tìm vàng trắng giữa đêm đen - 2
Đồ nghề của người thợ cạo mủ chỉ có 1 con dao cạo, dài khoảng 20 cm.

Thế rồi, chỉ chưa đầy 10 phút chuẩn bị, chị Thúy lên chiếc xe máy cũ rồi đi về hướng cánh rừng cao su. Giữa trời tối, cảnh một người một xe khiến nhiều người không khỏi ớn lạnh vì sự bạo dạn của người thợ cạo mủ cao su này.

Hôm nay, chị Thúy làm việc cách nhà khoảng 4 km, thuộc địa phận xã Nam Nung (huyện Krông Nô). Chị Thúy vừa đi, vừa cố nói chuyện to hơn, như là cách "đánh thức" những hàng cao su thẳng tắp, nối tiếp nhau mờ mịt giữa đêm đen.

"Tôi làm nghề này mấy năm nay, nói không sợ thì không phải, nhưng đi nhiều cũng thành quen. Mùa này trời nhanh sáng, phải tranh thủ đi sớm hơn, còn cuối năm, khoảng 2-3h sáng mới bắt đầu đi làm", người thợ cạo mủ nói về công việc của mình.

Chuyện nghề của những người thợ đi tìm vàng trắng giữa đêm đen - 3
Người thợ cạo mủ khéo léo đưa dao cạo quanh gốc cây để nhựa trắng chảy theo rãnh xuống chén hứng.

Dựng chiếc xe máy vào gốc cao su, người phụ nữ 35 tuổi chọn thân cây ấy là điểm bắt đầu cho ngày làm việc mới. Chiếc dao cạo mủ dài hơn 20 cm, một đầu được mài sắc, được người phụ nữ khéo léo rạch vào thân cây. Nhựa trắng ứa ra sau mỗi đường dao, chảy thành dòng xuống chiếc chén hứng đặt đã được đặt sẵn.

Trong đêm tối mịt mù, tiếng dao cạo rột rột, tiếng sương rơi tí tách lẫn với tiếng thở nhẹ của người thợ cần mẫn càng khiến không gian càng tĩnh mịch, im ắng hơn.

Chuyện nghề của những người thợ đi tìm vàng trắng giữa đêm đen - 4
Dòng nhựa trắng chảy ra từ vết cạo, theo sợi dây chảy xuống chén hứng.

Theo nữ thợ cạo này, khai thác mủ cao su rất đặc biệt, từ thời gian khai thác đến cách khai thác. Muốn cao su ra nhiều mủ, phải đi từ giữa đêm khuya, khi trời còn lạnh. Những vết cạo hôm nay, sang ngày hôm sau đã "liền" lại, người thợ cứ lần lượt cạo từng lớp mỏng, để nhựa cây chảy ra.

"Nghe thì đơn giản nhưng phải thật khéo để làm sao cạo không bị phạm. Cạo sâu vào phần gỗ cũng giống như đứt tay, nhựa chảy ra nhiều nhưng lại rất hại cây. Để chữa lành, phải dùng mỡ bò bôi vào vết phạm. Thường thì những người mới đi cạo mới bị phạm như vậy", chị Thúy vừa nói, vừa đưa lưỡi dao thoăn thoắt chạy quanh thân cây cao su.

Chuyện nghề của những người thợ đi tìm vàng trắng giữa đêm đen - 5
Vòng hương muỗi được đội trên đầu của người thợ cạo mủ mỗi khi làm việc dưới tán rừng cao su.

Chị Thúy nói, nghề cạo mủ cao su vất vả, chuyện rắn, bọ cạp cắn là bình thường. Thậm chí có người mới đi làm, còn vô tình rơi xuống giếng cạn nằm trong rẫy cao su. Cũng vì làm việc trong bóng tối, lại dưới cánh rừng rậm rạp, nên nếu không đủ sức khỏe, người thợ cạo chỉ tồn tại được vài năm trong nghề.

"Mỗi đêm cạo khoảng 500 gốc cao su, đi bộ thôi cũng mệt, không khí lại loãng nên khó thở lắm. Cứ một lúc là phải ra chỗ thoáng nghỉ, lấy hơi để vào cạo tiếp", tiếng người thợ ngắt quãng, tiếng thở bất đầu gấp gáp hơn khi nói chuyện.

"Con thợ cạo mủ lại như cha?"

Tầm 8h sáng, cánh rừng cao su bừng sáng, nắng xuyên qua vòm lá, chiếu thẳng xuống đất. Những người thợ cạo mủ cao su trở lại với công việc trút mủ sau hơn 1 tiếng nghỉ ngơi. Tiếng bước chân đạp lên lớp đệm lá xào xạc, khác hẳn với sự tĩnh lặng lúc rạng sáng.

Chuyện nghề của những người thợ đi tìm vàng trắng giữa đêm đen - 6
Người thợ bắt đầu trở lại vườn cao su để trút mủ.

Cũng giống như chị Thúy, chị Võ Thị Thủy (35 tuổi, trú Bình Phước) từng có nhiều năm theo nghề cạo mủ thuê cho những cánh rừng cao su bạt ngàn xã Nâm N'Đir (huyện Krông Nô). Người phụ nữ gốc Quảng Nam bảo rằng, dẫu biết nghề cạo mủ vất vả, "bán sức" mỗi đêm nhưng nếu không làm thì không có thu nhập.

Nghề cạo mủ cao su không đòi hỏi trình độ, đối với những lao động chân tay như chị Thủy, chỉ cần có công việc. Chị chấp nhận vất vả, khó khăn như một phần tất yếu trong cuộc mưu sinh.

Chuyện nghề của những người thợ đi tìm vàng trắng giữa đêm đen - 7
Chị Võ Thị Thủy chuẩn bị chén hứng cho buổi khai thác mủ cao su mới.

Cũng theo người thợ cạo mủ này, mỗi đêm người cạo mủ có thể cạo được khoảng 1ha cao su (500 gốc), kiếm tiền công khoảng 200.000 đồng. Chủ vườn thuê thêm việc trút mủ thì có thể được trả thêm 100.000 đồng. Trút mủ xong về ngủ đến trưa rồi chiều lại đi làm việc khác.

"Hai vợ chồng từ Bình Phước lên làm thuê rồi đưa con lên đây ở luôn. Đứa lớn năm nay học lớp 10, đứa nhỏ thì chưa đi học. Bố mẹ vất vả, chỉ mong đủ tiền cho con cái đi hành, không phải bán sức dưới những cánh rừng cao su này", chị Thủy vừa nói, vừa cột lại chiếc giá đỡ chén mủ, chuẩn bị cho buổi khai thác sớm mai.

Chuyện nghề của những người thợ đi tìm vàng trắng giữa đêm đen - 8
Càng về trưa, người đến rừng cao su càng đông hơn.

Càng về trưa, người đến trút mủ càng đông. Thoảng trong cánh rừng là mùi hương trầm mà thợ trút mủ mang theo. Dưới tán rừng là môi trường sinh sống của loài muỗi vằn, thế nên để "bám trụ" được, người thợ phải mang theo mình chiếc hộp đựng hương, vừa đốt vừa làm.

Theo những người làm nghề cạo mủ, chỉ khoảng chục năm trước, khi giá mủ cao su ở mức cao, làm nghề khai thác mủ có cuộc sống ổn định, thậm chí là khá giả. Thế nhưng, kể từ khi "vàng trắng" rớt giá, cuộc sống của họ bấp bênh hơn.

Chuyện nghề của những người thợ đi tìm vàng trắng giữa đêm đen - 9
Nghề cạo mủ cao su vất vả, mỗi người thợ thường làm việc từ 8-10 h/ ngày.

"Bây giờ mỗi ký mủ cao su chỉ khoảng 3.000 đồng, cộng thêm độ (chỉ số hàm lượng chất khô có trong mủ- PV) thì khoảng 6.000-7.000 đồng/ký. Mỗi ngày làm khoảng 8-10 tiếng đồng hồ, chủ vườn trả công 60% tiền bán mủ, nhưng cực lắm. Cả nhà chỉ trông chờ vào tiền cạo mủ thuê nên bấp bênh lắm", anh Nguyễn Thanh Dũng, một thợ cạo mủ nói.

Chính vì cuộc sống bấp bênh mà người làm nghề cạo mủ cao su thường truyền tai nhau câu nói "Con phu rồi lại làm phu, con thợ cạo mủ lại như cha mình".

Công việc vất vả, thời gian khai thác mủ cao su kéo dài khoảng 6-8 tháng, bắt đầu từ khi trời chưa sáng, nên những đứa nhỏ sẽ theo chân cha mẹ đến ở ngay rừng cao su để thuận lợi cho việc khai thác mủ. Có những gia đình, con cái nghỉ hẳn việc đến trường để đi thu hoạch mủ, mót mủ khô phụ giúp bố mẹ.