1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chuyện ít biết về "Ma xe độ" Tự Thanh Đa

Từ một cậu bé nhà nghèo phải bỏ học năm 12 tuổi, Vi Văn Tự đã mày mò, phát triển dòng xe độ phong cách châu Âu Cafe Racer về Việt Nam. Sau 15 năm gắn bó với nghề, Tự đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người, độ không biết bao nhiêu chiếc xe. Với anh, vui hơn hết chính là đem lại niềm vui cho khách hàng sau những tháng ngày “thai nghén”.

Từ vay tiền chữa bệnh cho mẹ đến quyết tâm đổi đời 

Cỡ tầm này năm ngoái, trong một dịp đi công tác phía Nam, khi đang ngồi bàn nhậu, tôi tình cờ được gặp Tự Thanh Đa - tay độ xe trứ danh đất Sài Gòn. Tự tạo ấn tượng đặc biệt với tôi ngay lần đầu xuất hiện, mở cửa chiếc Porscher Cayenne bước xuống, trên người vận chiếc quần short lửng màu xanh, áo phông “tông sẹc tông” với chiếc mũ lưỡi trai màu đỏ.

Với dáng người nhỏ thó, gầy gò, làn da đen sạm, dạn dày sương gió, cùng chỏm râu đen dài, lại đeo cặp kính đen, nhìn anh rất phong trần. Tiếc là, do đang bận đi công việc nên anh chỉ kịp cụng với chúng tôi một cốc bia hơi, chào hỏi mấy câu rồi lên xe vút ga đi. 

Chuyện ít biết về Ma xe độ Tự Thanh Đa - 1
Tự Thanh Đa bên cạnh xế cưng BMW

Khá tò mò, ngày hôm sau, tôi được anh bạn đồng nghiệp dẫn qua “căn cứ địa” của Tự ở 336 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, một địa điểm nổi tiếng với giới chơi xe, đặc biệt là tại Sài Gòn. Từ đây, “bộ phim” về cuộc đời Tự bắt đầu. 

Vốn xuất thân từ một vùng quê nghèo ở Quảng Nam, nhà lại thuộc diện nghèo nhất ở quê nên cậu bé Tự phải bỏ học khi đang lớp 6. Chàng trai nghèo xin mẹ đi phụ việc ở một tiệm sửa xe gần nhà, tập tành học nghề.

 

Năm 13 tuổi, mẹ Tự bị bệnh nặng khiến gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Trằn trọc thức trắng nhiều đêm không biết làm cách nào để xoay cho đủ số tiền mấy chục triệu đồng chữa bệnh cho mẹ.

Cuối cùng, Tự đánh liều mượn tiền ông chủ tiệm sửa xe để đóng viện phí. Có lẽ “món nợ đầu đời” quá lớn này khiến Tự hạ quyết tâm bằng mọi cách phải thoát nghèo. Tự lao vào nghiên cứu, tìm tòi về các loại xe máy. Ngoài việc sửa chữa, anh còn muốn cải tạo xe cũ thành xe mới. Anh khăn gói vào Nam lập nghiệp với hy vọng đổi đời.

Những ngày đầu ở Sài Gòn, anh thuê một căn nhà nhỏ trong con hẻm gần chân cầu Thanh Đa để mở tiệm sửa xe. Cái tên Tự Thanh Đa ra đời từ đó. 

Chuyện ít biết về Ma xe độ Tự Thanh Đa - 2

Một trong những mẫu xe độ ưng ý của Tự Thanh Đa

“Bao nhiêu năm sửa xe thấy mình không còn cảm giác hứng thú, rất khó chịu. Tôi bỏ ra 3 năm liền để suy nghĩ, nghiên cứu lại nghề của mình. Trong thời gian này, tôi nghĩ đến độ xe. Lúc đó, internet vào Việt Nam còn hạn chế, để tìm tòi xe độ rất khó, chỉ có bạn bè đi nước ngoài về tặng cho vài cuốn catalog có các mẫu xe đẹp khiến tôi mê mẩn, mày mò làm theo. Sau đó, mình tìm cách kết nối internet, tỉ mỉ xem và học, thu thập nhiều dữ liệu để làm”, anh Tự nhớ lại. 

Đáng chú ý, qua tìm hiểu, Tự được biết đa số các nước trên thế giới đã chuyển sang độ xe phân khối lớn như các dòng Harley Davidson, song ở Việt Nam điều kiện kinh tế lúc đó còn khó khăn, ít ai có được xe này. Bản thân vốn cũng thích các dòng xe cổ nên anh tìm tòi mấy xe của nước ngoài và nhận thấy phong cách độ xe Cafe Racer (có từ thập niên 60-70 ở châu Âu -PV) rất hợp với Việt Nam.

Tự bắt đầu học theo, lượm lặt, tìm mua những phụ kiện trùng với sở thích của mình rồi tự làm, tự phát triển thêm. Một ngày làm việc của anh trung bình 16 tiếng đồng hồ. 

Ban đầu, anh chỉ làm những dòng xe như Honda CD 125. Đến khoảng năm 2011-2012, khi phong trào chơi xe phát triển mạnh, anh bắt đầu làm những chiếc có dung tích xi lanh lớn hơn. 

Chỉ một năm sau khi bắt tay vào độ xe, anh cho ra đời hai mẫu xe độ là chiếc Honda CB750F 1981 phong cách Cafe Racer và chiếc Honda CB750F 1981 Street Tracker, gây được tiếng vang lớn trong giới chơi xe Sài Gòn.

Chiếc xe này còn được Tạp chí Motorrad của Đức dành nhiều lợi khen ngợi, cũng như trang báo chuyên về xe uy tín nước ngoài Autoevolution đánh giá cao. 

“Ngày làm 16 tiếng đồng hồ, rất cực. Có người hỏi sao không giữ sức khỏe nhưng nói thật chủ xe ai cũng thích sự chờ đợi, từ lúc lên ý tưởng giống như vừa cưới được vợ. Giao xe cho thợ sửa như giai đoạn “vợ thai nghén”, rồi chờ đợi kiểu “9 tháng 10 ngày xem con có khỏe không, tò mò không biết con mình ra đời sẽ có hình hài ra sao...”, anh Tự ví von.

“Vốn là con nhà nông, tôi chỉ biết làm và làm, chưa bao giờ nghĩ đến tuổi nào mình sẽ nghỉ. Cứ làm hết đam mê thôi”.  Tự Thanh Đa 

Theo Tự, mỗi chiếc xe độ ra mang đậm phong cách và dấu ấn cá nhân của chủ xe, như thế người thợ mới được gọi là thành công. Không cần mẫu mã theo thời hay phải nhận được sự tán dương của xã hội. 

Con nhà nông, không có khái niệm “nghỉ ngơi” 

Tính đến nay, anh Tự cũng đã ngót nghét 20 năm trong nghề độ xe, và cũng tròn 15 năm đưa dòng xe độ Cafe Racer về Việt Nam. Theo anh, hiện ở Việt Nam rất nhiều người độ xe, nhưng mỗi người có cách làm, cái tâm với nghề khác nhau. Nhu cầu độ xe theo chu kỳ 15 năm qua đã tăng khoảng 500%.

Chuyện ít biết về Ma xe độ Tự Thanh Đa - 3

Tự Thanh Đa bên những chiếc xe độ ưng ý của mình

Thậm chí một người chơi xe bình thường nếu đam mê vẫn có thể tự mày mò, độ xe cho riêng mình. “Có những người vừa làm vừa gửi hình ảnh hỏi mình và mình hỏi lại: “Em có thích không? Nếu em thích thì được rồi. Vì em làm cho em mà. Em cưới vợ là cưới cho em, nên em làm xe cũng như vậy”, anh Tự cười vui.  

Hiện nay, Garage Tự Thanh Đa đang tạo công ăn việc làm cho 8 nhân công, thu nhập trung bình (đã bao ăn ở) mỗi người khoảng 10 – 12 triệu đồng/tháng. “Cơ bản là anh em sống được”, anh Tự thật thà. 

Bình thường, khi có khách đặt hàng “độ” xe, Tự là người thiết kế mẫu rồi giao cho thợ làm những phần cơ bản, bản thân phải trực tiếp làm các phần máy móc, chạy điện...Công việc vất vả là thế nhưng khi được hỏi đã bao giờ anh nghĩ sẽ tìm người truyền nghề lại và mình sẽ nghỉ ngơi, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình?

Anh Tự thật thà: “Vốn là con nhà nông, tôi chỉ biết làm và làm, chưa bao giờ nghĩ đến tuổi nào mình sẽ nghỉ. Cứ làm hết đam mê thôi”.

Tự cũng không giấu giếm ấp ủ sẽ xây một khu phức hợp về xe và giải trí dành cho những người đam mê xe mô tô. Tại đó, khách sẽ được tự tay lắp ráp chiếc xe theo sở thích. Còn Tự làm sẵn phụ kiện, khách hàng không phải tốn phí cho phụ tùng.

“Ngày làm 16 tiếng đồng hồ, rất cực. Có người hỏi sao không giữ sức khỏe nhưng nói thật chủ xe ai cũng thích sự chờ đợi, từ lúc lên ý tưởng giống như vừa cưới được vợ. Giao xe cho thợ sửa như giai đoạn “vợ thai nghén”, rồi chờ đợi kiểu “9 tháng 10 ngày xem con có khỏe không, tò mò không biết con mình ra đời sẽ có hình hài ra sao...”, anh Tự ví von. 

Theo Tuấn Nguyễn/Báo Tiền Phong