Giải thưởng Vietnam HR Awards 2014:

Chuyển hóa truyền thống Việt thành bản sắc của riêng mình

FPT chuyển hóa truyền thống “Tôn sự trọng đạo” thành phong trào cạnh tranh lành mạnh, mang bàn sắc Việt trong công ty. Các lãnh đạo đang muốn công ty trở thành một “tổ chức học hỏi”.

Tại Vietnam HR Awards 2014, những nỗ lực này của FPT đã được ghi nhận tại hạng mục giải thưởng “Chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực xuất sắc”.

Chuyển hóa truyền thống Việt thành bản sắc của riêng mình
Các DN được vinh danh ở hạng mục giải thưởng “Chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực xuất sắc”.

Khơi dòng truyền thống

Lý giải điều này, một lãnh đạo của FPT cho rằng: Con người và văn hóa Việt Nam vốn có truyền thống “tôn sư, trọng đạo”, chính vì thế việc thi cử hằn sâu trong tâm trí người Việt hàng bao đời nay. Xét theo góc độ tích cực của nó, đây rõ ràng là một cách để “định lượng” ra năng lực của 1 cá nhân nào đó.

Kế thừa truyền thống của Việt Nam với các kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình nhằm tìm ra hiền tài cho đất nước, FPT đã tái hiện lại các bản sắc văn hóa thi cử truyền thống này ngay tại chính Tập đoàn.

Theo đó, nhân viên qua kỳ thi Hương - tức là thi trong nội bộ bộ phận phòng, ban của mình, họ sẽ tiến tới kỳ thi Hội - ở cấp đơn vị lớn hơn như công ty con thuộc Tập đoàn. Điểm cuối là thi Đình - diễn ra trong quy mô Tập đoàn.

Người chiến thắng được ghi nhận và tôn vinh là Trạng Nguyên FPT - một cách vận dụng khéo léo, sáng tạo truyền thống văn hóa dân tộc vào một doanh nghiệp Việt ở thế kỷ 21.

Với cách lồng ghép vào hệ thống đào tạo đa dạng của mình như thế, cùng một số cách thức khác, FPT đã tạo ra lớp lớp “sư phụ” là các cán bộ lãnh đạo đi trước, truyền thụ kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm sống cho hàng ngàn “đệ tử” đi sau.

Tạo bản sắc riêng
Tạo bản sắc riêng

“Mỗi một cán bộ được đào tạo trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình đều trở thành sư phụ và có trách nhiệm tiếp tục đào tạo lớp đệ tử kế cận, ít nhất là 3 người để dìu dắt họ trong công việc. Cách thức đào tạo này đã khuyến khích việc học và tự đào tạo không những của các đệ tử mà còn cả các sư phụ. Vì họ luôn phải cập nhật kiến thức trong công việc” - một lãnh đạo Cty cho biết.

Ông Nguyễn Thành Phong, Trưởng ban tổ chức Vietnam HR Awards 2014, chia sẻ: “Tôi thật sự ấn tượng với các doanh nghiệp nội có những chiến lược nhân sự đầy tiềm năng và xuất sắc. Một trong những mô hình đó là công ty CP FPT. Những chính sách nhân sự của FPT được vinh danh hôm nay là những kinh nghiệm quản trị nhân sự tiêu biểu trên thị trường”.

Vai trò của “đầu tàu”

Có thể, ở nhiều công ty, hoạt động đào tạo và phát triển thường gắn liền với trách nhiệm của một bộ phận phòng, ban cụ thể. Nhưng ở FPT, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình là người lĩnh xướng, đảm trách nhiệm vụ này.

Ông Trương Gia Bình và ông Bùi Quang Ngọc - Tổng giám đốc và các Chủ tịch và Tổng giám đốc các công ty thành viên trực thuộc đã tạo nên một lớp lãnh đạo cao nhất trực tiếp chỉ huy, xem xét, phê duyệt các kế hoạch, chương trình, ngân sách đào tạo hàng năm.

Ông Trương Gia Bình còn là người trực tiếp sáng tạo ra môn FPT Way - một “giáo án” đúc kết của toàn bộ bộ Gen FPT, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, giữ lửa cho FPT để có thành công bền vững.

Chủ tịch HĐQT Cty CP FPT Trương Gia Bình
Chủ tịch HĐQT Cty CP FPT Trương Gia Bình

Tầm nhìn của ông Bình cũng được thể hiện trong quyết định thành lập Học viện Lãnh đạo FPT, đưa hoạt động đào tạo cho các cấp lãnh đạo, quản lý lên mức ưu tiên cao nhất và quan trọng nhất đối với sự phát triển của tổ chức.

Giải thưởng Vietnam HR Awards 2014 mùa đầu tiên này bao gồm 5 hạng mục giải thưởng: "Môi trường làm việc", "Chính sách lương, thưởng và phúc lợi hiệu quả''; ''Chính sách đào tạo và phát triển''; ''Hoạch định và tìm kiếm nguồn nhân lực''; ''Quản lý hiệu quả công việc xuất sắc''. Công ty Cổ phần FPT vinh dự nhận giải ở hạng mục ''Chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực xuất sắc''


Chính việc này đã thúc đẩy lộ trình đào tạo thăng tiến của gần 2.000 cán bộ quản lý FPT các cấp, đưa họ là các cán bộ chủ chốt của tập đoàn, là lực lượng tinh nhuệ được đào tạo bài bản để lãnh đạo tốt các hướng kinh doanh của FPT.

Quả thực, các hoạt động đào tạo ở FPT được tuân thủ theo quy trình đào tạo chuẩn ISO 9001, được kiểm soát và đánh giá chất lượng hàng năm. Các hoạt động này cũng thường xuyên được cải tiến, đổi mới để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của tập đoàn.

Điểm khác biệt dễ nhận thấy ở quá trình đào tạo của FPT là ở chỗ mỗi nhân viên vừa được đào tạo, vừa là nhân tố tham gia thúc đẩy quá trình đào tạo, vừa là người trực tiếp đào tạo và sáng tạo trong đào tạo theo cách của họ. Học viên trong lớp học vừa là trò vừa là thầy.

Với cách thức này, việc đào tạo tại FPT luôn được sáng tạo, đổi mới, đa dạng mà không bị rập khuôn.

Thạch Bích

Năm 2013, FPT đã đầu tư 28,57 tỉ đồng cho các hoạt động đào tạo trong đó có việc tổ chức 1.876 khóa học với sự tham gia của 47.308 lượt CBNV. Một số chương trình đào tạo chính của FPT:

- Đào tạo tân binh: 100% nhân viên mới được tham gia khóa học đào tạo định hướng nhằm bước đầu làm quen với công việc và hiểu thêm về các giá trị cốt lõi của FPT;

- Đào tạo cán bộ công nghệ: Thường xuyên tổ chức đào tạo cập nhật những xu hướng công nghệ mới, đào tạo thi chứng chỉ của những hãng công nghệ hàng đầu để đội ngũ công nghệ nâng cao trình độ và khả năng sáng tạo;

- Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn: Định kỳ hàng năm, nhân viên được đào tạo nâng cao về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu công việc;

- Đào tạo lực lượng cán bộ kế cận: Ưu tiên nguồn lực để đào tạo cán bộ nòng cốt trở thành lực lượng quản lý, lãnh đạo kế cận, phục vụ nhu cầu phát triển dài hạn của Tập đoàn.