1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chuyên gia việc làm: Thị trường lao động linh hoạt hơn trong dịch Covid-19

(Dân trí) - "Thị trường lao động đang chuyển sang phân khúc cao hơn về chất lượng và trình độ của lao động, đòi hỏi người lao động phải tích hợp thêm nhiều kỹ năng và kiến thức hơn sau đại dịch Covid-19...".

Liên quan tới tình hình thị trường việc làm sau hơn 1 năm biến động do đại dịch Covid-19, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), chuyên gia về lĩnh vực lao động việc làm.

Chuyên gia việc làm: Thị trường lao động linh hoạt hơn trong dịch Covid-19 - 1

PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) - (ảnh NVCC).

Thị trường lao động trong nước đã thay đổi ra sao sau hơn 1 năm xuất hiện dịch bệnh Covid-19, thưa bà?.

- Theo đánh giá của tôi, sau hơn 1 năm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện trên thế giới và ở Việt Nam, đến nay, số lượng việc làm vẫn tiếp tục có xu hướng giảm, nhất là những ngành nghề liên quan đến các lĩnh vực như du lịch, vận tải,…

Về chất lượng việc làm có những thay đổi tương đối lớn, nhiều vị trí việc làm yêu cầu trình độ cao hơn trước. Bên cạnh đó, hình thức việc làm của người lao động cũng thay đổi rõ rệt như: Làm việc online, làm việc tại nhà…

Cơ cấu việc làm đã có sự thay đổi, những việc làm phục vụ thị trường trong nước tăng lên và đối với những việc làm phục vụ thị trường nước ngoài thì có xu hướng giảm.

Trước thực tế đó, bà đánh giá ra sao về xu thế tuyển dụng của doanh nghiệp trong thời điểm này?

- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp sản xuất, sau khi dịch bệnh tạm thời ổn định, doanh nghiệp cần cải cách quá trình sản xuất, tăng năng suất lao động.

Điều này dẫn đến đòi hỏi của doanh nghiệp đến người lao động cao hơn. Doanh nghiệp cũng đặt ra những yêu cầu phù hợp hơn với giai đoạn mới như, lao động trẻ, có trình độ, kiến thức tốt, tay nghề phù hợp hơn.

Đây là cơ hội tốt cho cả doanh nghiệp và người lao động. Nhưng đổi lại, doanh nghiệp sẽ phải trả mức thù lao cao hơn đối với những lao động có chất lượng hơn. Bên cạnh đó, thách thức với người lao động là cần có thêm kinh nghiệm, trình độ theo yêu cầu của doanh nghiệp, dẫn đến việc nhiều lao động khó tìm việc.

Chuyên gia việc làm: Thị trường lao động linh hoạt hơn trong dịch Covid-19 - 2

Trong năm 2020, cả nước giải quyết việc làm cho khoảng 1,348 triệu người.

Vậy, người lao động cần chuẩn bị những gì để đáp ứng được nhu cầu của thị trường đang chịu tác động bởi dịch bệnh, thưa bà?

- Trong tình hình như hiện nay, người lao động phải tìm cách "đứng vững" trên thị trường lao động, như tìm cho mình những việc làm phù hợp, linh hoạt và đa dạng hóa bản thân.

Thực tế, nhóm lao động đã bị mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh, khả năng quay lại việc làm cũ không cao. Từ đó, nhóm lao động này, cần tận dụng cơ hội để bổ sung kỹ năng và kiến thức. Ví dụ như kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc đa nhiệm…

Trong thời gian tới, khi mà thị trường lao động bình ổn trở lại, kinh tế mở cửa, chắc chắn công nghệ sẽ thay đổi, người lao động phải có sự chuẩn bị trước để đáp ứng được những yêu cầu của thị trường.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2020, cả nước giải quyết việc làm cho khoảng 1,348 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,61%. Kết thúc năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,5% trong đó số lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,5% .

Theo bà dự đoán, những ngành nghề nào chiếm ưu thế, được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng hiện tại và thời gian tới?

- Sau khi nền kinh tế bình thường trở lại, những ngành như dệt may, da dày, điện tử và những ngành nghề nằm trong sự chuyển dịch lao động của quốc tế, nhất là khi Việt Nam đang thu hút sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn trên thế giới, từ đó sẽ tạo ra được nhiều nhóm việc làm mới.

Hơn nữa, trong cuộc chạy đua về công nghệ, những nhóm việc làm liên quan đến internet, công nghệ thông tin, điện tử, điện lạnh sẽ được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng. Những nhóm ngành nghề đang phát triển mạnh trong thời Covid-19 như cung cấp dịch vụ internet, giao hàng, xe công nghệ… sẽ tiếp tục phát triển mạnh.

Trước những thuận lợi và thách thức trên, theo bà, sự kết nối cung - cầu trên thị trường lao động liệu có hiệu quả như trước?

- Từ trước đến nay, luôn có sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động. Ở những nhóm lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, công nhân có trình độ và tay nghề tỷ lệ diễn ra mất cân đối về cung, cầu lao động càng cao. Điều này nằm ở chất lượng lao động, khi mà những thứ người lao động có lại chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và ngược lại.

Ngoài ra, việc thiếu thông tin về thị trường lao động dẫn đến sự kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động chưa hiệu quả. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, thị trường lao động rất rộng, cần xây dựng những hệ thống nhận biết mới, hiện đại để đáp ứng nhu cầu việc  tìm người, người tìm việc.

Tính linh hoạt của thị trường lao động sẽ cao hơn

Theo bà Nguyễn Thị lan Hương, thị trường lao động luôn phụ thuộc vào nền kinh tế. Hiện nay, việc nới lỏng và giãn cách xã hội đang được thực hiện, qua đó hoạt động kinh doanh, sản xuất đang được phục hồi lại sẽ kéo theo nhu cầu về lao động tăng lên.

Thị trường lao động đang chuyển sang phân khúc cao hơn về chất lượng lao động. Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới qua đại dịch đã thúc đẩy nhanh hơn về công nghệ và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thời gian tới hệ thống việc làm sẽ được linh hoạt hơn.

Xin cảm ơn bà!