Chuyên gia lao động: “Tuổi nghỉ hưu không trùng với tuổi nghề”

(Dân trí) - “Trong thị trường lao động, bạn phải chủ động chuẩn bị. Tới một tuổi nhất định, bạn không còn đủ khả năng làm ở nghề này nhưng kinh nghiệm sẽ giúp làm ở nghề khác. Tuổi nghề của cầu thủ bóng đá có thể dừng ở 35, nhưng một thầy giáo 70 tuổi vẫn có thể giảng dạy được…”


Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH)

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH)

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phân tích về lộ trình tuổi nghỉ hưu cũng như quan niệm giữa tuổi nghề và tuổi hưu.

Tăng 4 tháng tuổi hưu/năm là hợp lý

Đánh giá về thông tin đề xuất tăng tuổi hưu được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra thời gian gần đây, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu được bàn nhiều nhưng lần này có thêm nhiều điểm tích cực.

Bàn về lộ trình tuổi hưu, vị chuyên gia cho biết: “Lộ trình tăng được chuẩn bị khá kỹ về các căn cứ, tiêu chuẩn; Áp dụng vào lộ trình mà quốc tế người ta hay làm. Theo đó có sự thông báo sớm nhằm tạo sự chuẩn bị và đồng thuận”.

Lao động làm công việc nặng nhọc có thể nghỉ hưu sớm

Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, Điều 187 của Bộ Luật Lao động đã quy định 3 nhóm người lao động làm việc trong nhóm điều kiện nặng nhọc độc hại có thể nghỉ hưu sớm hơn quy định.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Lan Hương đánh giá, việc tăng tuổi hưu được bắt đầu từ năm 2021, mức tăng tuổi hưu hiện đang được đề xuất 4 tháng/năm là “ có thể chấp nhận được, không nhanh quá và tránh sự đột biến”.

So sánh với tăng lương tối thiểu, bà Lan Hương đơn cử: “Giống với việc tăng lương tối thiểu. Cơ quan chức năng thường thông tin từ tháng 7 năm trước để tháng 1 đầu năm sau áp dụng. Với lộ trình tăng tuổi hưu, việc thông tin tới năm 2021 mới áp dụng còn là dài”.

Tuổi hưu khác với tuổi nghề

Về tuổi hưu, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, nhiều người lao động nghỉ hưu vẫn có nhu cầu làm việc. Điều này chứng tỏ, xu hướng tăng tuổi hưu ngoài lý do đáp ứng nhu cầu làm việc, còn có thể giúp tăng thêm một khoản thu nhập chính đáng cho người lao động lớn tuổi.

Tuổi hưu hiện tại đang giới hạn ở mức 60 với nam và 55 với nữ. Nhưng tuổi nghề đôi khi lại không giống như vậy. Tuổi nghề có thể giúp một người giáo viên dù 70 tuổi vẫn có thể đứng lớp để có thêm thu nhập.

“Bạn có thể lựa chọn giữa việc làm tốt hơn để có thu nhập tốt hơn hay về hưu để có thu nhập thấp. Vấn đề về hưu không đơn thuần là nghỉ ngơi. Tuổi về hưu của một đời người khác với tuổi hưu của một nghề” - bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.

Vị chuyên gia trên cho rằng, trong thị trường lao động người lao động phải có sự chuẩn bị. “Cũng giống như người lao động đến 35 tuổi, bạn không có đủ khả năng làm việc ở ngành nghề này nhưng kinh nghiệm của bạn có thể làm ở ngành nghề khác”.

Sửa Bộ Luật lao động, cần lưu ý tới nhiều nghề mới xuất hiện

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, so với giai đoạn xây dựng Luật lao động năm 2012, tới nay đã xuất hiện nhiều công việc mới. Qua đó, cơ quan chức năng cần sự điều chỉnh hợp lý và bao quát trong việc sửa đổi Luật Lao động tới đây.

“Đây là điều chắc chắn sẽ xảy ra, Đặc biệt khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan rộng trong đời sống và sản xuất. Công nghiệp 4.0 sẽ giúp con người hạn chế phần nào việc trực tiếp làm việc với các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” - bà Nguyễn Thị Lan Hương nói.

Bên cạnh đó, công nghệ 4.0 cũng làm xuất hiện những quan hệ lao động mới, không phân biệt đâu là người chủ, đâu là người thợ.

“Dịch vụ lái xe Grab là một điển hình. Khi làm việc, chiếc xe ô tô - công cụ lao động là của lái xe. Họ là chủ sở hữu chỉ là về mặt luật pháp, ngoài ra việc kết nối với Grab chỉ là cơ chế tương tác” - bà Nguyễn Thị Lan Hương dẫn chứng.

Hoàng Mạnh