Nghệ An:
Chuyện chưa kể về những cựu binh giữ rừng săng lẻ
(Dân trí) - Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về, những cựu chiến binh tiếp tục bảo vệ, giữ gìn khu rừng săng lẻ hơn 200 ha, nơi đang dần trở thành một điểm tham quan lý thú ở huyện miền núi Nghệ An.
Một ngày đầu Thu, chúng tôi ngược quốc lộ 7A khoảng 180 km về phía tây khu rừng săng lẻ thuộc địa bàn xã Tam Đình (huyện Tương Dương). Khu rừng săng lẻ dài khoảng 1km bám dọc quốc lộ rộng hơn 200 ha lâu nay trở thành điểm dừng chân lý tưởng của nhiều du khách.
Rừng săng lẻ của huyện Tương Dương không chỉ là điểm du lịch mà nó còn như là một lá phổi xanh đối với người dân nơi đây.
Để giữ được khu rừng đặc dụng hiếm có này, ít ai biết rằng hàng ngày, hàng đêm luôn có một đội quân bảo vệ là người bản địa. Phần lớn họ là những cựu chiến binh, có người đang mang thương tích từ chiến trường.
Trước đây, trong một thời gian dài, khu rừng săng lẻ bị xâm hại bởi những người khai thác gỗ trái phép. Điều này khiến chính quyền và ngành kiểm lâm địa phương phải nhờ đến sự bảo vệ của cộng đồng trước việc khu rừng quý bị bức tử.
Không để rừng săng lẻ bị xâm hại, năm 2011, hai cựu chiến binh là Vi Trường Vĩnh và Vi Viết Lợi đã xung phong bắt tay nhận nhiệm vụ bảo vệ khu rừng săng lẻ rộng 240 ha.
Ông Vi Trường Vĩnh nhập ngũ năm 1972. Năm 1974, ông bị thương trong một trận đánh ở Tây Ninh. Ngoài những vết thương trên người, ông Vĩnh bị mất ngón tay út bên phải (thương binh hạng 4/4). Sau khi phục viên, trở về địa phương, ông tham gia xây dựng làng bản trong vai trò Phó bản.
Còn ông Vi Viết Lợi nhập ngũ năm 1975, tham gia chiến đấu ở chiến trường nước bạn Lào, đến năm 1980 thì phục viên về địa phương. Cũng như ông Vi Trường Vĩnh, ông Lợi trở lại cuộc sống của một người nông dân bình thường. Khi nhận việc bảo vệ rừng, hai người cùng chia sẻ khoản thù lao 3 triệu đồng mỗi tháng.
Khoản thu nhập không cao, nhưng với 2 cựu binh này thì điều quan trọng nhất là họ được chính tay bảo vệ khu rừng gắn bó suốt từ thủa ấu thơ của mình. “Khi nhận nhiệm vụ, anh em chúng tôi không ai nghĩ là sẽ có thù lao mà nghĩ làm sao phải giữ được khu rừng quý giá này”, ông Vi Viết Lợi tâm sự.
Để đảm bảo việc đồng áng, hai cựu binh già tự phân công nhau mỗi người tuần tra rừng một ngày. “Chúng tôi ai nấy đều đã gần 70 tuổi, nên việc lội rừng nhiều khi cũng mỏi gối. Nhưng nghĩ mình là lính Cụ Hồ, lại là nhiệm vụ làng xã giao nên cũng gắng hoàn thành”, ông Vi Trường Vĩnh cho biết.
Để việc bảo vệ khu rừng quý hiếm này được tốt hơn, năm 2016, Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương ký hợp đồng với một nhóm gồm 11 người dân ở bản Quang Thịnh trong đó có 9 người là các cựu chiến binh. Ông Vĩnh, ông Lợi cũng nằm trong quân số của đội bảo vệ này.
Ông Vi Dương Cảnh, cựu chiến binh chống Mỹ, người phụ trách Tổ bảo vệ rừng săng lẻ cho hay: “Nhờ có thêm quân số đông đảo hơn trước kia nên việc bảo vệ khu rừng đặc dụng này có phần dễ dàng hơn. Việc tuần tra, bảo vệ rừng được thực hiện hàng ngày. Ban đêm, người phụ trách cũng bố trí người có nhiệm vụ tuần tra dọc quốc lộ, nhằm tránh người chặt trộm gỗ. Có thể nói cho đến hiện tại, tình trạng chặt trộm gỗ không còn diễn ra”.
Còn anh Lương Ngọc Tỷ - thành viên trẻ nhất của tổ bảo vệ rừng hoàn thành nghĩa vụ quân sự từ năm 2005 - cho biết: “Hiện tại, mỗi tổ viên có thu nhập khoảng 8 triệu đồng mỗi năm từ việc bảo vệ rừng. Nhưng cũng theo anh Tỷ thì đó không phải là điều quan trọng nhất mà việc bảo vệ rừng cộng đồng là nhiệm vụ của mình và cả tập thể là việc làm thiết thực nhất”.