Chưa có doanh nghiệp nợ đọng BHXH bị truy tố trước pháp luật

Trần Lê

(Dân trí) - Tại Thanh Hóa, hơn 1.600 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên với số tiền hơn 391 tỷ đồng, trong đó có 452 doanh nghiệp nợ khó thu, chưa có đơn vị nào bị truy tố trước pháp luật.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, tính đến hết tháng 2/2022, tổng số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn là 11.440 đơn vị, tổng số lao động tham gia BHXH là 471.465 người (tăng 53.582 người so với cùng kỳ năm 2021).

Trong đó, số lao động tham gia BHXH bắt buộc là 396.872 người (tăng 37.733 người so với cùng kỳ năm 2021); số tham gia BHXH tự nguyện là 74.593 người; số tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 370.759 người (tăng 37.936 người so với cùng kỳ năm 2021).

Thống kê cho thấy, tổng số doanh nghiệp nợ BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 3 tháng trở lên là 1.666/7.210 doanh nghiệp đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN (tăng 82 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2021). Số tiền nợ BHXH của các doanh nghiệp là hơn 391 tỷ đồng (tăng hơn 44 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021).

Chưa có doanh nghiệp nợ đọng BHXH bị truy tố trước pháp luật - 1

Hàng tháng BHXH Thanh Hóa đã gửi thông báo đôn đốc thu nợ đến các doanh nghiệp (Ảnh: Nam Hà).

Trong đó, có 452 doanh nghiệp nợ khó thu (mất tích, phá sản, giải thể, dừng hoạt động...), với số tiền nợ là hơn 104 tỷ đồng (tăng 115 doanh nghiệp nợ khó thu và tăng số tiền nợ gần 60 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021).

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, nguyên nhân tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Điều này dẫn đến nhiều đơn vị, nhất là đơn vị có số lao động lớn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Một số đơn vị ngừng hoạt động không có khả năng thanh toán hoặc chậm được thanh toán vốn các hợp đồng, công trình, dự án dẫn đến không có khả năng đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, không còn khả năng trả nợ.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định về khoanh nợ BHXH, dẫn đến số tiền nợ BHXH của các doanh nghiệp tiếp tục tăng.

Theo đánh giá, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa thường xuyên, liên tục do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ còn hạn chế, chưa được bổ sung đáp ứng phù hợp với số lượng doanh nghiệp hiện nay. Việc phối hợp với các cơ quan chức năng trong đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra để thu hồi nợ đọng BHXH cho người lao động trong doanh nghiệp chưa được quan tâm, chỉ đạo sát sao.

Cấp ủy và chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách BHXH. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN bị truy tố trước pháp luật.

Trao đổi với Dân trí, ông Vũ Nguyên Hiệp - Phó giám đốc BHXH Thanh Hóa - cho biết, trong những tháng đầu năm vừa trùng dịp Tết và tình hình dịch bệnh nên theo quy định hạn chế việc tiếp xúc, thanh tra đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, BHXH tỉnh vẫn gửi thông báo hàng tháng đến các đơn vị.

"Chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra đột xuất đối với hơn 700 đơn vị. Ngành cũng đang khởi động, làm sao đơn vị có điều kiện cố gắng nộp cho cơ quan BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, còn đơn vị nào khó khăn thực sự thì cũng phải có phương án để trả dần", ông Hiệp cho biết.

Cũng theo ông Hiệp, trong các năm 2020, 2021, BHXH Thanh Hóa đã đề nghị cơ quan công an khởi tố một số đơn vị nợ BHXH. Tuy nhiên, có những đơn vị người đứng đầu bỏ trốn và chủ sở hữu ở nước ngoài, phía công an cũng đã phối hợp với cơ quan tư pháp của nước ngoài nhưng không nhận được câu trả lời. BHXH Thanh Hóa cũng đã chuyển hồ sơ của một số đơn vị khác cho cơ quan công an nhưng thực tế chưa khởi tố được đơn vị nào.

"Nhiều đơn vị đang gặp khó khăn, nhất là giá xăng dầu, nguyên liệu đang ảnh hưởng, trong điều kiện này, cơ quan BHXH cũng có sự linh hoạt, chia sẻ, phải mềm dẻo và cũng phải quyết liệt", ông Vũ Nguyên Hiệp chia sẻ.