Chủ, thợ dốc sức ngày đêm làm ra bánh "bảy lửa" gia truyền ở Đà Nẵng
(Dân trí) - Để tạo nên những chiếc bánh khô mè Đà Nẵng thơm ngon, giòn rụm, người thợ phải kỳ công chế biến qua bảy lần lửa. Đây cũng là một sản phẩm thường xuất hiện trên mâm cúng tổ tiên trong ngày Tết.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, làng nghề bánh khô mè tại quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Các cơ sở sản xuất hoạt động không ngừng nghỉ để kịp thời cung ứng sản phẩm cho thị trường.
Chủ cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ, anh Huỳnh Đức Sol, cho biết từ đầu tháng Chạp, cơ sở của anh đã bắt đầu sản xuất bánh để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo anh Sol, bánh khô mè đã xuất hiện từ thế kỷ XIX và là món không thể thiếu trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết cổ truyền.
Bánh khô mè, còn gọi là món "bảy lửa", được làm từ những nguyên liệu đơn giản như bột gạo, gừng, mè và đường mía. Tên gọi "bảy lửa" xuất phát từ quy trình chế biến phức tạp với bảy lần tiếp xúc với lửa của món ăn.
Quy trình làm bánh bắt đầu từ việc rây bột vào khuôn, hấp chín, sau đó nướng giòn. Công đoạn bọc lớp áo đường cho bánh là bước quyết định, là linh hồn của sản phẩm. Khó nhất trong khâu này là đường được nấu theo tỷ lệ bí truyền để đạt độ sánh hoàn hảo.
Những chiếc bánh sau khi nướng giòn được nhúng vào nước đường và lăn qua lớp mè rang, tạo nên hương vị ngọt ngào, bùi béo, giòn tan đặc trưng của khô mè Đà Nẵng. Anh Sol nhấn mạnh, quy trình này đòi hỏi sự khéo léo, nhanh tay, thạo nghề của người thợ.
Trước đây, bánh khô mè được làm hoàn toàn thủ công, nhưng hiện tại, một phần công nghệ, máy móc đã được áp dụng để đáp ứng nhu cầu khách hàng và đảm bảo vệ sinh mà vẫn giữ được nét đặc trưng của bánh.
Vào mùa Tết, cơ sở của anh Sol tiêu thụ hơn 300.000 hộp bánh, tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với mức lương 6-7 triệu đồng.
Thương hiệu bánh khô mè của gia đình anh Sol đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận vào năm 2012, ghi danh vào top 10 đặc sản nổi tiếng Việt Nam.