1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chủ ruộng "vàng mắt" tìm người cấy thuê

Nguyễn Tú

(Dân trí) - Thời gian này, người dân trên địa bàn Nghệ An đang tranh thủ gieo cấy vụ lúa Đông Xuân 2023. Với tiền công 350.000-400.000 đồng/ngày, nhiều chủ ruộng vẫn khó thuê người.

Gia đình bà Phan Thị Hồng (65 tuổi, ở xã Bắc Thành, huyện Yên Thành) đã hoàn thành việc làm đất 5 sào ruộng để gieo cấy. Nhiều ngày trôi qua, dù bà đã gọi điện và nhờ con đăng lên mạng xã hội nhưng vẫn khó thuê được người cấy.

Chủ ruộng vàng mắt tìm người cấy thuê - 1

Mùa gieo cấy diễn ra khoảng 10-15 ngày nên nhiều chủ ruộng khó thuê người.

Theo bà Hồng, làm đất xong phải gieo cấy liền, cây lúa mới phát triển tốt nhất, thuận lợi cho việc chăm bón sau này. Ngược lại, đất làm xong để lâu ngày, ruộng se lại, khó gieo cấy hơn. Thậm chí mạ non sau khi gieo cấy sẽ nghẹt rễ, khó phát triển.

"Hai ngày qua, tôi đã gọi điện cho nhiều người làm dịch vụ cấy thuê nhưng vẫn chưa được. Đất làm xong mà để như thế này thì nóng ruột lắm. Giờ không thuê được người thì tôi phải huy động các thành viên trong gia đình để gieo cấy cho kịp thời vụ", bà Hồng cho biết.

Chủ ruộng vàng mắt tìm người cấy thuê - 2

Đây là nghề thời vụ nhưng vào dịp này công việc cấy thuê rất "đắt sô".

Năm nay gia đình ông Phan Văn Cẩn (60 tuổi, trú tại xã Long Thành, huyện Yên Thành), làm gần 1ha lúa vụ Đông Xuân nhưng đến thời điểm này mới hoàn thành được một nửa diện tích.

Theo ông Cẩn, vì vào mùa gieo cấy đại trà nên thuê người rất khó, năm nay giá nhân công tăng từ 300.000 lên 400.000 đồng/ngày mà vẫn không thể thuê ra người làm. Vì sợ chậm thời vụ nên gia đình ông đã chọn phương pháp gieo sạ (sau khi ủ lúa mọc mầm, vãi trên ruộng luôn) thay cho cấy.

"Tôi biết thuê người gieo cấy không được nên phải chọn phương pháp gieo sạ nửa diện tích. Mặc dù phương pháp này không hiệu quả bằng cấy nhưng phải làm cho kịp mùa vụ. Số diện tích còn lại cả gia đình cố gắng hoàn thành cấy trong thời gian sớm nhất", ông Cẩn chia sẻ thêm.

Chủ ruộng vàng mắt tìm người cấy thuê - 3

Nghề đi cấy đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo.

Chủ ruộng vàng mắt tìm người cấy thuê - 4

Công việc này cũng rất vất vả vì cả ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".

Gần một tuần nay, nhóm người đi cấy thuê của bà Dương Thị Vi (67 tuổi, ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành), nhận được nhiều cuộc gọi của chủ ruộng để hợp đồng cấy thuê.

Theo bà Vi, vào dịp này người thuê đi cấy rất nhiều nhưng vì nhóm của bà chỉ có 5 người nên không thể nhận một lúc nhiều diện tích mà phải ưu tiên những ai thuê trước. Giá cả năm nay tăng từ 50.000 đến 100.000 đồng/ngày so với năm trước nhưng vẫn làm không xuể.

Chủ ruộng vàng mắt tìm người cấy thuê - 5

Theo bà Dương Thị Vi thì năm nay công việc cấy thuê của nhóm làm không hết việc.

"Nghề cấy thuê này đã gắn bó với tôi lâu rồi, cứ đến mùa vụ là các nhà có ruộng đều gọi cho tôi để tìm người cấy. Sau đó tôi tự mình liên hệ các chị em khác trong xóm đi cấy chung. Mỗi ngày cấy thuê thế này cũng kiếm được 350.000-400.000 đồng. Năm nay nhiều chủ ruộng đã gọi thuê nhưng tôi và các chị em làm không hết việc", bà Vi chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thanh (47 tuổi, ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành) bộc bạch: "Nghề này cũng rất vất vả, suốt ngày làm liền tay, nếu cấy gần nhà thì không cần phải mang cơm đi ăn trưa, chỉ cần mang theo nước, găng tay cao su, ủng. Còn ở xa thì phải mang cơm đi ăn trưa giữa đồng để cấy cho ấm rồi về sớm. Bên cạnh đó, khi đã nhận cấy thuê cho chủ ruộng thì phải cố gắng hoàn thành sớm, dù vất vả đến mấy".

Chủ ruộng vàng mắt tìm người cấy thuê - 6

Mặc dù tiền công tăng từ 300.000 đồng lên 400.000 đồng/ngày nhưng nhiều chủ ruộng vẫn không thuê ra người và sợ chậm tiến độ mùa vụ.

Ông Nguyễn Đại Thưởng - Giám đốc Hợp tác xã Bắc Thành, Yên Thành cho biết, mùa gieo cấy diễn ra khoảng 10-15 ngày nên người dân phải tranh thủ thời gian để đảm bảo tiến độ. Năm nay, toàn bộ diện tích gieo cấy của xã khoảng 450ha. Thời gian vào vụ đã được một tuần nhưng do thiếu nhân lực nên mới hoàn thành được nửa diện tích.

"Năm nay thời tiết trên địa bàn không được thuận lợi vì mưa và nhiệt độ xuống thấp. Bên cạnh đó, nhiều chủ ruộng không thuê ra người cấy nên chậm tiến độ mùa vụ", ông Thưởng cho biết thêm.

Được biết, huyện Yên Thành (Nghệ An) là một trong những vựa lúa lớn của khu vực Bắc miền Trung, kinh tế người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Vào mùa, số lao động làm dịch vụ cấy thuê cũng khá đông. Đây là một việc khá vất vả nhưng đã tạo công ăn việc làm thời vụ cho nhiều chị em có thêm thu nhập.