Chơi cờ học làm giàu
Có một địa chỉ mà ở đó, có sóng wifi nhưng không ai chơi game online, chat hay tra cứu Internet... mà đắm mình trong những quân cờ đặc biệt. Sau những ván cờ tương tác, người chơi xích lại gần nhau hơn. Từ đó, ước mơ và những ý tưởng kinh doanh cũng được ươm mầm.
Xe hơi, tiền... là những thứ có mặt rất nhiều trong những trò chơi này. Tất nhiên, chúng được làm bằng... giấy. Thứ “thật” trong thế giới cờ này là các đầu sách về kinh tế như Dạy con làm giàu, Cạnh tranh khốc liệt, Nhân lên thương hiệu Việt... phục vụ cho những bạn trẻ mê kinh doanh.
Làm đại gia bằng... tiền giả
“Vụ làm ăn này lớn, em mua cổ phần 20.000 là ít quá, 30.000 đi”. “Không, công ty máy tính thì cổ phần giá 20.000 là nhiều lắm rồi”. Hai “đối tác” tiếp tục tranh cãi, co kéo giá trị cổ phần một cách hăng hái. Lân, cậu bé 14 tuổi, nhỏ nhất trong bàn, trịnh trọng: “Em làm chủ, định giá 25.000”. Giao dịch hoàn tất, ngân hàng bắt đầu chia “lãi” cho ba nhà đầu tư.
Đầu bàn bên kia, ba người còn lại cũng đăm chiêu, suy nghĩ xem đầu tư vào đâu là lợi nhất. Sự cạnh tranh công bằng và khốc liệt trên thương trường gần như thể hiện đầy đủ ở những nước cờ của trò chơi Im the boss (Tôi làm ông chủ) vì bất cứ giao dịch nào hỏng cũng khiến người chơi mất đi một khoản “lãi” đáng kể.
Bàn bên cạnh, với 4 người chơi, ngồi quanh chiếc bàn nhỏ cũng vừa bắt đầu trò chơi Dividenos (Cổ tức). Đây là trò chơi mô phỏng cách thức đầu tư cổ phiếu nên ai cũng tỏ ra thận trọng trong các quyết định. Nhìn các bạn say sưa với những thẻ cờ của mình, có thể thấy sức hấp dẫn nhưng cũng không kém phần căng thẳng của trò chơi. Tiếng cười chỉ rộ lên khi tìm được người nhiều “tiền” nhất ở điểm tàn cuộc cờ.
“Không khiến người chơi cười, yếu tố hấp dẫn của những bộ cờ kinh doanh này là sự đấu trí”, Thành, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai TPHCM, chia sẻ.
Vì “tiền” là giả nên các từ “monopoly” (cờ về mua bán bất động sản), “shogun” (cờ về chiến lược kinh doanh) đến “carcassone” (cờ về chiến thuật kinh doanh) hay “for sale” (cờ về buôn bán)... những “đại gia” này có dịp mạnh tay trong đầu tư khi vào những ô giao dịch nhiều lợi nhuận.
Tất nhiên, để tạo nên yếu tố bất ngờ, luật chơi của những bộ cờ này đều có những thẻ quyền lực mà khi sở hữu nó, người chơi có thể xoay ngược tình thế bất cứ lúc nào. Trâm, sinh viên ĐH Mở TPHCM, cho biết chọn được thời điểm để tung thẻ quyền lực cũng là một kỹ năng mà người chơi phải học hỏi trong những ván cờ kinh doanh. “Đây cũng sân chơi cho giới trẻ chúng tôi “nháp” trước khi cho những kế hoạch kinh doanh của mình đi vào thực tế”, Trâm nhận định.
Phía sau mỗi quân cờ
Mỗi trò chơi có sức hấp dẫn khác nhau nhưng “đỉnh” nhất trong những bộ cờ kỹ năng kinh doanh là Cashflow. Với hai đường đi khác nhau: đường chuột và đường đời, người chơi vừa phải tính toán, cân đối chi tiêu để thoát khỏi sự luẩn quẩn từ đi làm, đóng tiền, trả nợ... của đường chuột. Ngược lại, đường đời là một thế giới ước mơ với đi du lịch, làm từ thiện, mua sắm... Cứ như thế, người chơi không những đón nhận những kinh nghiệm về điều tiết cuộc sống mà còn nhận thức được giá trị của lao động.
Không đơn thuần là học cách kinh doanh, trong những nước cờ, ước mơ về tương lai và định hướng nghề nghiệp được những bạn trẻ hoạch định khá rõ. Sau một lần tham gia ván cờ Game of Life (Trò chơi cuộc sống) cùng bạn bè, Phương Anh (quận 1, TPHCM) đã bất ngờ thay đổi mục đích thi vào ĐH Kinh tế, chú tâm ôn luyện để trở thành sinh viên ĐH Kiến trúc. Phương Anh tiết lộ lý do: “Trò chơi này giúp tôi hình dung được phần nào công việc cũng như quyền lợi kinh tế của các ngành nghề”.
Đến với thế giới của những bộ cờ trí tuệ này, ít ai biết khởi đầu ý tưởng hình thành nó là từ việc tiếp xúc với tập sách Dạy con làm giàu. Ông chủ trẻ Lâm Quang Thành Chung, từ tò mò về bộ cờ Cashflow được nhắc đến trong tập sách đã tìm tòi, tra cứu Internet để tìm cho được xuất xứ của trò chơi thú vị này. Từ Cashflow, anh đã tìm ra cả một kho cờ kinh doanh khác.
Ý tưởng về một không gian cho cờ đã được Trịnh Tuyết Linh, người bạn đồng trang lứa, chia sẻ. Mạnh dạn bỏ hẳn công việc ổn định, hai bạn trẻ của thế hệ 8x này đã ngồi lại, cùng đầu tư. Giá thành những bộ cờ có loại lên đến 5 triệu đồng/bộ nên hai bạn vừa vay vừa gom tiền tiết kiệm trong 3 năm làm việc mới đủ để mở tiệm.
Rich House ra đời, tập trung được đội ngũ nhân viên là những sinh viên mê cờ kinh doanh đến mức... xin làm việc tại đây. Họ là những người dẫn chương trình cho mỗi cuộc cờ. Mỗi khi tìm ra bộ cờ mới, các bạn lại cùng thảo luận để quyết định đặt mua từ Mỹ, cùng háo hức tra cứu luật chơi mới...
Những bộ cờ xuất phát từ Mỹ, đương nhiên, luật chơi, ngôn ngữ... đều thể hiện bằng tiếng Anh nên từ nhân viên đến người chơi, ai cũng phải thông thạo ngôn ngữ này. Thỉnh thoảng, giữa những cuộc cờ lại nảy ra tranh luận về luật chơi vì sự đa nghĩa của ngôn ngữ xứ sương mù. Có thể, một luật chơi mới được thiết lập, mang đậm phong cách Việt sẽ hình thành trong tương lai. Đó cũng chính là ước mơ của Thành Chung, Tuyết Linh và những người thích học làm giàu qua những quân cờ.
Theo Lao Động