Chợ rơm lớn nhất miền Tây nhộn nhịp ngày áp tết

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Giao thừa đang đếm ngược từng giờ đồng hồ, cả khu chợ rơm lớn nhất miền Tây ai nấy đều hối hả mua bán cho xong chuyến hàng cuối cùng để kịp về sum vầy bên người thân, gia đình.

Chợ rơm lớn nhất miền Tây nhộn nhịp ngày áp tết

Chỉ còn ít giờ nữa là giao thừa nhưng khu chợ rơm Ba Tri (Bến Tre) vẫn tấp nập kẻ mua người bán. Từ tờ mờ sáng 29 Tết - ngày cuối cùng của năm, hàng chục ghe bầu chở rơm đã nằm chờ ở bến, mấy chục xe kéo cũng nối đuôi nhau chờ đến lượt "ăn hàng".

Chợ rơm lớn nhất miền Tây nhộn nhịp ngày áp tết - 1

Dù là ngày cuối cùng của năm nhưng chợ rơm vẫn nhộn nhịp (Ảnh: Nguyễn Cường).

Càng gần tết, nhịp độ buôn bán càng hối hả. Người bán muốn xả hàng thật nhanh để dọn ghe nghỉ tết, người mua thì muốn mua được thật nhiều rơm để sang năm mới có thêm thời gian thỏa thích vui chơi.

Ngay chân đập Ba Lai thuộc xã Tân Thủy (Ba Tri) là khu bến buôn bán rơm lâu năm nhất trong vùng. Không khí buôn bán tấp nập, ai cũng muốn làm việc thật nhanh để kịp nhận khoản tiền đi mua sắm đồ Tết trong phiên chợ cuối cùng của năm.

Chợ rơm lớn nhất miền Tây nhộn nhịp ngày áp tết - 2

Mọi người đều hối hả để kịp về bên người thân, gia đình cùng đón giờ phút thiêng liêng (Ảnh: Nguyễn Cường).

Anh Lê Quang Thắng (39 tuổi) là chủ một ghe rơm cho biết, khu chợ có nhiều bến, thường một bến sẽ có khoảng 30 ghe bầu neo đậu để bán hàng. Hoạt động bán hàng thường diễn ra tấp nập nhất trong buổi sáng vì rơm cần được chở đi giao tận nhà, khắp các xã trong huyện Ba Tri.

"Rơm được mua gom từ khắp các tỉnh miền Tây dồn về đây bán, như tôi vừa đi gom gần một tuần ở Long An rồi gấp gáp về bán hàng cho kịp ăn Tết. Thường mỗi ghe chở được trên dưới nghìn cuộn rơm, giá thì dao động từ 20 - 30 nghìn đồng mỗi cuộn, tùy theo chất lượng", anh Thắng cho biết.

Chợ rơm lớn nhất miền Tây nhộn nhịp ngày áp tết - 3

Rơm từ khắp các tỉnh miền Tây được đưa về đây (Ảnh: Nguyễn Cường).

Năm giờ sáng, trời vẫn đang xẩm tối thì những ghe rơm cũng vừa chạm mũi, vào bờ. Sau khi chiếc cầu ván được đặt ngay ngắn, những chiếc xe kéo cũng lùi vào sát mép sông để chuẩn bị nhận hàng.

Chốt giá xong, phu bốc vác rơm liền gấp gáp vào việc, người này nối tiếp người kia đi thoăn thoắt trên chiếc cầu ván "mỏng manh". Mỗi xe kéo chỉ chở được mấy chục cuộn rơm, sau vài phút đã đầy hàng, cứ xe này ra thì xe khác vào, liên tục.

Chợ rơm lớn nhất miền Tây nhộn nhịp ngày áp tết - 4

Các xe kéo sẽ chở rơm đến tận nhà những người nuôi bò để bán (Ảnh: Nguyễn Cường).

Một phu bốc vác rơm chia sẻ, tiền công tính theo cuộn, mỗi cuộn một nghìn đồng. Khu chợ có nhiều đội phu với hàng trăm người bốc vác. Nếu có sức khỏe, chăm chỉ thì một ngày mỗi người có thể kiếm được trên 300 nghìn đồng.

Ông Trần Văn Thiết là chủ của đàn bò 12 con. Để chọn được những cuộn rơm ngon nhất tích trữ cho bò ăn những ngày sau tết, ông đã trực tiếp đến khu chợ để lựa hàng.

Chợ rơm lớn nhất miền Tây nhộn nhịp ngày áp tết - 5

Người bốc vác được trả công 1000 đồng mỗi cuộn rơm (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Rơm phải màu vàng óng hay trắng sáng mới là ngon. Những cuộn rơm thâm là bị ẩm mốc rồi, chỉ để làm nấm chứ bò không ăn được. Mỗi cuộn nặng chừng 15kg, bò ăn được vài ngày nên tôi phải mua cả một xe kéo mới đủ tích trữ", ông Thiết chia sẻ.

Một người bán rơm cho biết vì trong khu chợ kẻ mua người bán đều là bạn hàng quen lâu năm nên nhiều người mua chọn tin vào người bán chứ không đến lựa hàng. Người bán cũng vì uy tín và giữ mối nên rơm chất lượng ra sao thì sẽ báo đúng giá. Dù phiên chợ tấp nập nhưng hiếm có cảnh xô bồ, trả giá, mặc cả.

Chợ rơm lớn nhất miền Tây nhộn nhịp ngày áp tết - 6

Khi những chiếc ghe bán hết hàng cũng là lúc mặt trời mọc lên phía bờ biển (Ảnh: Nguyễn Cường).

Hơn chục năm trước, nghề nuôi bò ở huyện Ba Tri dần hình thành và phát triển. Đến nay đàn bò ở đây đã có số lượng hơn 100 nghìn con, biến Ba Tri trở thành vùng nuôi bò lớn bậc nhất ở miền Tây.

Chợ rơm lớn nhất miền Tây nhộn nhịp ngày áp tết - 7

Người mua kẻ bán ngồi lại uống ly nước, nói dăm ba câu chuyện ngay trên ghe sau khi hàng đã chuyển đi (Ảnh: Nguyễn Cường).

Bò ăn rơm, mà rơm trong vùng không cung cấp đủ nên buộc người nuôi phải mua rơm từ nơi khác về. Có cầu ắt có cung, hai bên bờ sông Ba Lai thuộc xã Tân Thủy (Ba Tri) và xã Thạnh Trị (huyện Bình Đại, Bến Tre) dần xuất hiện những chợ rơm và ngày càng sầm uất. Các chợ rơm đều tự phát, không có tên nên đều được mọi người quen gọi là chợ rơm Ba Tri.