1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tấp nập chợ rơm

Rơm - phụ phẩm cuối cùng của cây lúa, cứ tưởng bỏ đi, vậy mà tại xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp lại có một chợ rơm sôi động, giá trị giao dịch lên đến nửa tỉ bạc mỗi ngày...

Từ cho không đến mua bán

 

Mới tờ mờ sáng đã có vài chục ghe rơm nối đuôi nhau xếp hàng từ vàm kênh đến đầu cầu chợ Bông Súng, trên bờ nhộn nhịp kẻ mua người bán, dưới kênh lác đác vài ghe rơm nhổ neo rời bến. Ông Lê Văn Đẩu, 65 tuổi, nhìn hơi nóng từ mấy ghe rơm bốc thành khói nghi ngút, kể: “Những năm 1990, sau khi thu hoạch vụ đông xuân, tui đến các ruộng xin rơm về chất giồng ủ nấm, lúc đó không ai bán chác gì. Đến khi nhiều người trồng nấm, rơm tại chỗ không đủ dùng, có người đi các nơi mua rơm về bán lại. Buôn có bạn, bán có phường, chợ rơm cũng từ đó mà hình thành!”.

 

Anh Nguyễn Văn Hùng, Phó bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa, cho biết nhu cầu rơm ngày càng cao nên chợ rơm ngày càng sung túc, nhóm họp quanh năm, tấp nập nhất là sau khi thu hoạch lúa đông xuân, ngày cao điểm có đến hơn trăm ghe rơm từ các nơi tụ về. Sau khi thỏa thuận giá cả, chủ ghe chở rơm đến tận nhà của khách và chất thành giồng để ủ nấm. Tùy ghe có tải trọng lớn nhỏ và tùy vào thời điểm rơm nhiều hay ít mà giá cả có khác khau, giá một ghe rơm từ 18-40 tấn hiện dao động trong khoảng từ 3-6 triệu đồng. Rơm chất cao nghệu thật khó lượng định chính xác, nhưng người bán nào cũng trọng chữ tín để giữ mối lâu dài nên không ai kê khống trọng lượng rơm.

 

Anh Dư Văn Quyền, quê xã Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ có gần 15 năm mua bán rơm ở chợ Tân Hòa giải thích: “Khi mua rơm, ngoài việc chọn ruộng lúa trúng mùa để có rơm tốt, ủ nấm lâu tàn, chủ ghe phải nhận rơm cho thật chặt, để chất được nhiều giồng, nấm đạt năng suất cao người trồng nấm mới tin cậy mà mua tiếp rơm của mình. Còn chất rơm phều phào, xốp xộp, chuyến sau khách hàng gặp mình là chạy dài”.

 

Lấy công làm lãi

 

Các chủ ghe rơm ở đây cho biết, để có được ghe rơm 18 tấn phải mất ba ngày tìm mua tại ruộng và vận chuyển về chợ, nếu rơm đắt thì bốn ngày sẽ mua và bán xong một ghe rơm, còn khi dội chợ thì kéo dài cả tuần lễ. Đắt ế gì chủ ghe cũng trả tiền công theo chuyến, bình quân mỗi ghe rơm 18 tấn, chủ phải thuê hai nhân công vận chuyển rơm hết 400.000 đồng, bao cơm nước.

 

Anh Nguyễn Văn Hùng, 25 tuổi, quê xã Thới An, quận Ô Môn và anh Huỳnh Văn Dương, 18 tuổi, ở ấp Định Thành, xã Định Hòa, huyện Lai Vung đang vác 18 tấn rơm từ ghe lên bờ cho chủ. Hai thân hình nhỏ thó khiêng những ky rơm to nặng, nhún nhẩy trên chiếc thanh gỗ dài gần chục mét. Dương vừa đi vừa phân bua: “Tụi em quen rồi, làm coi nặng vậy chứ tối về ngủ ngon lắm”. Cánh nhân công là vậy, phía chủ ghe cũng canh cánh nỗi lo.

 

Anh Dư Văn Quyền kể: “Càng vào đồng sâu giá rơm càng rẻ nhưng cầu khỉ càng nhiều; chua nhất là khi ghe rơm đầy, lòng kinh cạn, lại gặp nước ròng sát, muốn qua được chiếc cầu phải đợi con nước mất cả ngày”.

 

Rơm của giống lúa dài ngày ủ nấm tốt hơn nên ghe rơm phải vào tận các cánh đồng sâu ở Sóc Trăng, Long An... tìm cho được rơm của giống lúa mùa dài ngày nhằm chiều ý khách hàng. Không những vậy, dân mua rơm phải nắm rõ lịch thu hoạch lúa ở từng vùng - ông Lê Văn Đẩu nói một cách đầy tự hào.

 

Chợ rơm nuôi làng nghề

 

Sau vụ lúa đông xuân, Tân Hòa bước vào vụ nấm rơm chính trong năm nên chợ rơm cũng nhộn nhịp hơn bao giờ hết, đến khoảng 9 giờ sáng là mọi giao dịch kết thúc, các ghe rơm bắt đầu nhổ neo và chạy lần theo các con kênh, ngọn rạch tỏa về các xóm ấp kịp chuyển rơm lên cho khách hàng ủ trong ngày.

 

Không chỉ dân Tân Hòa mà người trồng nấm ở các xã lân cận như Phong Hòa, Định Hòa, Vĩnh Thới, Tân Thành, Tân Phước, Long Hậu, Hòa Long cũng đổ về Tân Hòa mua rơm, nên chợ rơm Tân Hòa ngày càng sôi động.

 

Theo ủy ban xã, giá trị mua bán rơm ở chợ Tân Hòa ngày cao điểm lên đến nửa tỉ đồng. Khách hàng tới lui ngày càng nhiều nên ông Nguyễn Văn Tư ở xã Tân Hòa đã bỏ 5,5 tỉ đồng đầu tư nâng cấp chợ chồm hổm cạnh chợ rơm thành một khu chợ mới rộng 1,7 héc ta có nhà lồng, nhà phố khang trang, khánh thành cách đây hơn một năm.

 

Ông Tư nói: “Cũng nhờ mua bán rơm mà chợ Bông Súng mới nhộn nhịp, sung túc như vầy”. Ngoài mua bán rơm, chợ có hàng loạt dịch vụ kèm theo như ăn uống, bán meo nấm, mua nấm tươi, nấm luộc... hoạt động nhộn nhịp từ 5 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Tùy theo sức lực và thiện chí, người già, thanh niên, đến những đứa trẻ 9,10 tuổi ai cũng có thể tìm một việc làm từ khuân vác rơm, tưới nước, chất giồng, đến hái nấm, tách vỏ nấm...

 

Phó bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Hùng rất mừng: “Ở xã bây giờ rất khó gặp trẻ em rong chơi hay thanh niên la cà nơi hàng quán, cũng nhờ cọng rơm”. Ông Nguyễn Viết Luân ủ ghe rơm 40 tấn trong vòng 25 ngày, thu hoạch nấm tươi bán cho các chợ, trừ chi phí 8 triệu đồng, còn lời 3 triệu, thốt lên: “Tôi hài lòng!”.

 

Anh Nguyễn Hữu Phước, 27 tuổi, ở ấp Hòa Bình, xã Tân Hòa vừa ủ nấm, vừa cùng vợ đến các xóm ấp mua nấm tươi, vừa luộc nấm bán cho các công ty mỗi ngày kiếm được 100.000 đồng. Công việc túi bụi nhưng anh bảo: “Không sao đâu, miễn là tụi em có việc làm tại chỗ khỏi phải bươn chải đâu xa”. Bà Trương Thị Nên, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lai Vung, cho biết năm 2006 toàn huyện sản xuất hơn 8.000 tấn nấm rơm, năm nay sản lượng sẽ tăng nhờ giá nấm ổn định ở mức cao, nhưng do nông dân trồng và bán nấm một cách tự phát nên giá nấm còn bấp bênh.

 

Không dừng lại ở việc sản xuất nấm, nhiều hộ nghèo, ít vốn, đi mua rơm sau khi thu hoạch nấm về ủ lại thành rơm mục bán cho các làng nghề trồng hoa kiểng lân cận với giá 6.000 đồng/giạ. Bán rơm mục cũng đã trở thành một nghề của nhiều hộ gia đình. Và chỉ khi đó vòng đời của cọng rơm mới thực sự kết thúc.       

 

 Theo Phạm Anh Tuấn
Thời báo Kinh tế Sài Gòn