Cho quýt hồng bén rễ trong chậu lão nông Đồng Tháp thu lãi tiền triệu/ cây
(Dân trí) - Thay vì trồng quýt hồng giữa vườn đất rộng lớn thì lão nông Hà Thanh Hồng (Đồng Tháp) đã cho cây quýt bén rễ trong chậu để phục vụ thị trường Tết. Hướng đi này giúp ông Hồng thu lãi cao.
Những năm gần đây, ngoài các loại kiểng lá, kiểng hoa chưng vào ngày Tết, thì các loại cây có trái được thị trường đón nhận nồng nhiệt. Nắm bắt được nhu cầu thị trường và thâm niên hơn 40 năm trồng quýt, ông Hà Thanh Hồng (70 tuổi) quyết định chuyển đổi từ trồng quýt ngoài đất vườn sang trồng trong chậu để chưng vào dịp Tết.
"Tôi cũng lớn tuổi rồi nếu trồng ngoài vườn diện tích lớn quá khó chăm sóc, tốn công làm cỏ, bón phân. Còn trồng trong chậu, với một công đất tôi có thể trồng được từ 400 đến 500 chậu, công việc nhàn hơn hẳn", ông Hồng cho hay.
Theo chủ vườn quýt, quýt hồng trong bầu khoảng 5 tháng đã có thể trồng sang chậu đặt trong nhà lưới. Để trồng quýt hồng trong chậu khâu chọn đất làm giá thể là quan trọng nhất. Do thổ nhưỡng của Lai Vung là đất mỡ gà, loại đất này không có độ tơi xốp nên khi tưới nước rễ sẽ khó hấp thụ nước và dinh dưỡng.
Thế nên, ngoài việc trộn phân rơm, phân ủ hoại làm giá thể ông Hồng còn mua thêm đất ruộng lớp mặt pha trộn vào để cây quýt có đủ sức phát triển. Đất trồng chất lượng nên mỗi tháng ông Hồng chỉ cần bón phân một lần là cây đã đủ dưỡng chất.
Quýt hồng cho trái mỗi năm một vụ. Từ cuối tháng Giêng sẽ cắt nước khoảng một tuần để xử lý ra bông. Từ lúc trổ bông đến khi thu hoạch kéo dài khoảng 10 tháng. Cây quýt trồng từ 2 năm đã có thể cho trái.
"Tùy vào độ tuổi và kích cỡ cây mình sẽ để số lượng trái khác nhau, bình quân mỗi cây tôi sẽ để từ 25-60 trái quýt", lão nông 70 tuổi chia sẻ kinh nghiệm trồng quýt trong chậu.
Theo lời ông Hồng, vụ quýt năm nay không gặp khó khăn do thời tiết ít mưa và không khí lạnh vào những tháng cuối năm rất thích hợp để quýt phát triển.
Cũng theo ông Hồng, tiêu chí để quyết định giá cả của cây quýt hồng chậu nằm ở chỗ mức độ sai trĩu quả và độ bóng, đẹp của trái quýt. Những cây quýt có trái nhiều và đồng đều về kích thước và màu sắc, vỏ mỏng, bóng thông thường sẽ có giá khá cao, những năm trước ông Hồng từng cung cấp những chậu quýt giá trị lên đến chục triệu đồng.
"Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tôi chỉ sản xuất 250 chậu, giá cả cũng giảm hơn năm trước nhưng thương lái cũng đã đặt tiền cọc từ một đến 4 triệu đồng/chậu. Dù mất giá nhưng bình quân mỗi cây quýt tôi có thể lãi được một triệu đồng", chủ vườn quýt Chín Hồng tiết lộ.
Ngoài quýt hồng chậu, từ năm 2017 lão nông Hà Thanh Hồng còn nhập thêm những giống cây đặc sản của miền Bắc như bưởi diễn, bưởi tiến vua về trồng, đáp ứng đa dạng thị trường ngày Tết. Mỗi chậu bưởi diễn hoặc bưởi tiến vua mang từ 4-8 trái sẽ có giá dao động từ 2-5 triệu đồng.
Nhờ đón đầu được thị trường nên những năm qua mô hình trồng quýt hồng trong chậu của ông Hồng phát triển rất tốt, trung bình mỗi năm lão nông thủ phủ quýt hồng có thể đút túi từ 250-300 triệu đồng. Tuổi già nhưng lòng chưa già, lão nông U80 vẫn miệt mài thi đua sản xuất, cống hiến hết mình cho kinh tế quê hương.