1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cho con rụt rịt không cổ ăn tre nứa, chàng trai miền núi thu 200 triệu mỗi năm

Dương Nguyên

(Dân trí) - Nghỉ làm công nhân, Trần Đình Nhâm về quê Hà Tĩnh khởi nghiệp bằng nghề nuôi dúi. Mô hình này giúp chàng trai miền sơn cước có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ngày cuối tháng 11, Trần Đình Nhâm (30 tuổi, trú thôn 4, xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) bận rộn với việc chặt mía, chẻ nhỏ tre nứa làm thức ăn cho dúi.

Chuồng chăn nuôi dúi của anh Nhâm rộng khoảng 150m2. Với việc phát triển đàn lên 200 con, chàng trai này là người nuôi dúi thuần chủng có số lượng lớn nhất vùng.

Nuôi con rụt rịt không cổ, chàng trai đổi đời (Video: Dương Nguyên).

Cho con rụt rịt không cổ ăn tre nứa, chàng trai miền núi thu 200 triệu mỗi năm - 1

Chuồng nuôi dúi của Anh Trần Đình Nhâm được bố trí gần nhà (Ảnh: Dương Nguyên).

Anh Nhâm kể, sáu năm trước, anh làm công nhân ở Bắc Ninh. Với khát khao mong muốn làm giàu trên chính quê hương mình, chàng trai này đã quyết định trở về. Song, nuôi con gì, trồng cây gì, điều đó khiến Nhâm trăn trở.

Năm 2017, trong một lần đi tham quan ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), anh Nhâm thấy người dân ở đây nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cho con rụt rịt không cổ ăn tre nứa, chàng trai miền núi thu 200 triệu mỗi năm - 2

Theo anh Nhâm, thức ăn của dúi có tre, nứa, mía,... (Ảnh: Dương Nguyên).

Cho con rụt rịt không cổ ăn tre nứa, chàng trai miền núi thu 200 triệu mỗi năm - 3

Một con dúi đang gặm nứa (Ảnh: Dương Nguyên).

Trở về nhà, chàng trai này tiếp tục tìm hiểu trên mạng internet để có thêm thông tin về con "rụt rịt không cổ" này. Và, anh nhận thấy quê mình có điều kiện phù hợp với nguồn thức ăn có sẵn cho dúi như mía, tre nứa, cỏ voi, ngô, sắn.

"Trong vùng cũng chưa ai nuôi con dúi này với số lượng lớn nên tôi liều nuôi thử xem sao", anh Nhâm bộc bạch.

Nghĩ là làm, anh ra Nghệ An mua cặp giống bố mẹ và 2 cặp dúi con về nuôi thử nghiệm với số tiền vốn ban đầu gần 6 triệu đồng.

"Dù tôi đã tìm hiểu kỹ trên mạng về thức ăn và cách phòng bệnh cho con vật nhưng vẫn gặp rủi ro. Hai con dúi chết", anh Nhâm kể.

Cho con rụt rịt không cổ ăn tre nứa, chàng trai miền núi thu 200 triệu mỗi năm - 4

Anh Nhâm trồng mía trong vườn để làm thức ăn cho đàn dúi (Ảnh: Dương Nguyên).

Không bỏ cuộc, anh Nhâm tiếp tục mày mò, tìm hiểu. Qua thời gian chăm sóc, anh rút ra được kinh nghiệm rằng không cho dúi ăn tre, nứa, mía non hoặc quá già. Thức ăn phải sạch sẽ và không nấm mốc. Đặc biệt, loài vật này kỵ nước, không ưa ánh sáng và nhiệt độ cao.

Cuối năm 2018, anh Nhâm chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi chủ động khai báo với đơn vị kiểm lâm sở tại và xin giấy phép nuôi động vật hoang dã. Tiếp đó, anh chi 60 triệu đồng mua 20 cặp dúi về nuôi.

Cho con rụt rịt không cổ ăn tre nứa, chàng trai miền núi thu 200 triệu mỗi năm - 5

Dúi sinh sản dày, mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa 3-4 con (Ảnh: Dương Nguyên).

"Tôi cũng đầu tư xây chuồng trên diện tích 150m2. Việc này không tốn nhiều chi phí lắm. Chuồng lợp bằng mái tranh để mùa hè mát và xây kín nhằm tránh gió rét trong mùa đông. Nơi cho từng cặp dúi đực cái ở và sinh sản được dựng bằng những viên gạch men khổ lớn xếp thành các ô", anh Nhâm bật mí.

Theo chàng trai này, dúi sinh sản dày, mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa 3-4 con. Sau vài năm chăm sóc, đàn dúi của anh Nhâm đã tăng lên 200 con.

Nuôi thành công, anh bán ra thị trường giống dúi loại nhỏ 20-30g với giá 800.000-1.000.000 đồng/con; loại đã sinh sản có giá 3-4 triệu đồng/cặp.

Cho con rụt rịt không cổ ăn tre nứa, chàng trai miền núi thu 200 triệu mỗi năm - 6

Đàn dúi của anh Nhâm hiện nay có 200 con, tất cả đều khỏe mạnh và sinh sản tốt (Ảnh: Dương Nguyên).

Hay tin anh Nhâm nuôi dúi thành công, nhiều người tìm đến tận nhà tham quan, học hỏi và mua giống về nuôi. Có thời điểm, chủ đàn dúi ở miền sơn cước này "cháy hàng".

Vì chi phí thức ăn và chuồng trại thấp, anh Nhâm có lãi lớn. Năm 2020, anh bán được gần 100 triệu đồng; năm 2021, anh lãi hơn 200 triệu đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, anh Nhâm cũng đã "bỏ túi" hơn 200 triệu.

"Có tiền, tôi xây được nhà và xin phép bố mẹ cho vợ chồng tôi cùng con nhỏ ra ở riêng", anh vui vẻ nói.

Chàng trai này chia sẻ, trong tương lai gần, anh sẽ tăng đàn dúi, nuôi thêm loài hươu và chuột.

Cho con rụt rịt không cổ ăn tre nứa, chàng trai miền núi thu 200 triệu mỗi năm - 7

Có lãi từ việc nuôi dúi, anh Nhâm vừa xây được căn nhà mới (Ảnh: Dương Nguyên).

Anh Phan Tiến Cường, Bí thư Đoàn xã Sơn Hồng đánh giá, mô hình nuôi dúi của anh Nhâm đầu tư ít nhưng rất hiệu và mang lại thu nhập cao. Tuy nhiên, người nuôi phải hết sức chú ý khâu kỹ thuật.

"Chúng tôi đang khuyến khích các bạn trẻ trên địa bàn xã học hỏi để đầu tư chăn nuôi loài vật này. Chúng tôi cũng đề xuất anh Nhâm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giống ban đầu giúp các bạn khởi nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi giúp tìm kiếm nguồn vốn, mở rộng mô hình để các bạn trẻ học hỏi lẫn nhau, liên kết chăn nuôi và làm giàu cho quê hương", Bí thư Đoàn xã Sơn Hồng nói.

Dúi là loài động vật gặm nhấm, thân mình tròn trịa, mũm mĩm, rụt rịt, không cổ. Bao quanh chúng là lớp lông dày giống như lợn rừng. Đôi mắt nhỏ, lồi, đen như con chuột. Thịt dúi thơm ngon, bổ dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng.