1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

An Giang:

Chợ chuột lớn nhất miền Tây gom 5 tấn mỗi ngày vẫn không đủ bán

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Chợ chuột Phù Dật (An Giang) là nơi buôn bán chuột đồng quy mô nhất miền Tây. Tiểu thương nơi đây làm thịt 4-5 tấn chuột sống/ngày để cung cấp cho quán ăn, nhà hàng trong và ngoài tỉnh.

Chợ chuột lớn nhất miền Tây gom 4-5 tấn mỗi ngày vẫn không đủ bán (Clip: Bảo Kỳ).

An Giang là vùng đất sản sinh ra nhiều khu chợ độc đáo như chợ cỏ, chợ côn trùng, chợ cá "âm phủ"... Đặc biệt, không thể bỏ sót chợ chuột Phù Dật, nơi được mệnh danh là khu chợ bán chuột đồng lớn nhất ĐBSCL. 

Chợ chuột lớn nhất miền Tây gom 5 tấn mỗi ngày vẫn không đủ bán - 1

Săn bắt chuột đồng đã trở thành nghề tay trái giúp lao động nông nhàn kiếm thêm thu nhập sau mùa gặt. Cách bắt chuột rất đa dạng như dí cù, đào hang, dùng chĩa đâm... (Ảnh: Bảo Kỳ).

Chợ chuột Phù Dật nằm ven bờ kênh Phù Dật thuộc ấp Bình Chánh, xã Bình Long, huyện Châu Phú, An Giang, cách trung tâm hành chính của tỉnh hơn 30km. Dấu hiệu nhận biết khi đến chợ chuột là một dãy nhà lợp mái tôn cặp mé sông, từ thềm đến trong nhà đều trưng đầy những chiếc lồng sắt đựng chuột sống. 

Chợ chuột lớn nhất miền Tây gom 5 tấn mỗi ngày vẫn không đủ bán - 2

Chuột sống được thương lái chở đến giao cho các vựa (Ảnh: Bảo Kỳ).

Khu chợ này gắn bó với bà con địa phương từ rất lâu. Chẳng ai biết chính xác nghề làm chuột có từ bao giờ, chỉ nhớ "làng chuột" đã có nhiều chục năm. Giai đoạn năm 1995-2000 là thời điểm "hưng thịnh". Khi đó, khắp xóm, nhà nhà, người người đều làm chuột để có thu nhập. 

Chợ chuột lớn nhất miền Tây gom 5 tấn mỗi ngày vẫn không đủ bán - 3

Chuột sau khi bắt về được bán lại cho các thương lái với giá từ 40.000 đến 80.000 đồng/kg (Ảnh: Bảo Kỳ).

Bà Trần Kim Dớn (59 tuổi, ngụ tại ấp Bình Chánh) có thâm niên hơn 20 năm trong nghề cho biết, ngày trước, nông dân ấp Bình Chánh chủ yếu canh tác cây lúa. Do ruộng lúa thường xuyên bị chuột cắn phá, để bảo vệ mùa màng, hàng ngày bà con phải ra ruộng diệt chuột. Bắt được quá nhiều, ăn không hết nên người dân làm thịt chuột mang ra chợ bán. Người này học hỏi người kia, chẳng mấy chốc hình thành nên chợ chuột Phù Dật, duy trì tới nay. 

"Chợ chuột hoạt động quanh năm, nhộn nhịp nhất là thời gian sau Tết và kéo dài đến tháng 6 âm lịch. Lúc gà gáy chợ đã họp, người dân chạy xe đến bán chuột cho các vựa còn chị em phụ nữ như chúng tôi thì mài dao, kéo đợi làm thịt chuột. Ngày thường, khoảng 3-4h chiều đã xong việc nhưng lúc vào vụ, có khi ngày công kéo dài đến tận khuya", bà Dớn chia sẻ. 

Chợ chuột lớn nhất miền Tây gom 5 tấn mỗi ngày vẫn không đủ bán - 4

Người làm thịt chuột đa phần là nữ giới. Mỗi ngày có khoảng 20 nhân công làm việc (Ảnh: Bảo Kỳ).

Khác với những phiên chợ khác có nam, có nữ, nhân công làm việc tại chợ chuột Phù Dật đa số là nữ giới. Các công đoạn như đập chuột, lột da, mổ bụng, rút ruột, ướp đá bảo quản... đều do các bà, các chị làm. Riêng khâu chở thịt chuột đi bỏ mối, cân chuột sống sẽ do cánh đàn ông đảm trách. 

Chị Phan Thị Mỹ Châu (42 tuổi) chia sẻ, chuột ở chợ này có nhiều loại, mỗi loại làm có độ khó dễ khác nhau. Trong đó, sơ chế chuột cơm là đơn giản nhất, còn khó nhất là chuột cống nhum vì chúng rất hung dữ, bất cẩn chút là dễ bị chuột cắn chảy máu, đau nhức vô cùng.  

"Ngày mới làm chẳng ai chịu nổi mùi tanh, hôi ở đây nhưng vì công việc gần nhà, thu nhập có đều đều nên tôi cũng ráng bấm bụng mà làm, đến giờ cũng trên chục năm. Tiền công làm thịt chuột tính theo giờ, giá 20.000 đồng/giờ. Mỗi ngày tôi kiếm được trên 100.000 đồng", chị Châu nói. 

Chợ chuột lớn nhất miền Tây gom 5 tấn mỗi ngày vẫn không đủ bán - 5

Thịt chuột được làm sạch và ướp nước đá bảo quản (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cũng theo chị Châu, con chuột tuy bé nhưng làm lâu công, lắm nhọc nhằn. Cả ngày ngồi một chỗ, tay ngâm trong nước suốt, thường bị nước ăn, lở loét. Đến lúc về, thợ chuột phải tắm rửa, kì cọ nhiều lần mới vơi bớt mùi tanh. 

Chợ chuột lớn nhất miền Tây gom 5 tấn mỗi ngày vẫn không đủ bán - 6

Thịt chuột đồng được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như nướng, quay lu, khìa nước dừa... (Ảnh: Bảo Kỳ).

Anh Trần Thanh Nhu (thương lái ở TP Long Xuyên, An Giang) cho biết, chuột đồng được thu mua từ khắp các tỉnh miền Tây và một số thương lái mua từ bên kia biên giới Campuchia mang qua bán lại kiếm lời với giá từ 50.000 đến 80.000 đồng/kg (tùy kích cỡ) và bán ra với giá 100.000-150.000 đồng/kg sau khi được làm sạch và phân phối ở nhiều tỉnh thành. So với ngày trước, sản lượng chuột đồng hiện đã ít hơn do người dân giảm sản xuất lúa.