1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chính phủ đốc thúc sửa luật Việc làm

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Sửa đổi luật Việc làm sẽ giúp mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững…

Sửa luật để tháo gỡ vướng mắc thực tế

Tại Nghị quyết 16/NQ-CP phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2023, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; có giải pháp khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật.

Về đề nghị xây dựng Luật việc làm (sửa đổi), Chính phủ cũng thống nhất sự cần thiết lập đề nghị xây dựng Luật Việc làm nhằm thể chế hóa cụ thể hơn đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với điều kiện, yêu cầu của thời kỳ mới, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định tại các luật liên quan, cũng như hướng tới giải quyết hiệu quả các vướng mắc của thực tiễn.

Chính phủ đốc thúc sửa luật Việc làm  - 1

Mục tiêu xây dựng Luật Việc làm là hướng tới bảo đảm việc làm bền vững, quyền tiếp cận chính sách an sinh cho tất cả lao động.

Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở tổng kết việc thi hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực việc làm, cần đánh giá, nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng hơn về kết quả đạt được, các hạn chế, bất cập, nguyên nhân và phân tích đầy đủ các căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn để bảo đảm sự hợp pháp, khả thi của những giải pháp được đề xuất tại các nhóm chính sách.

Cơ bản thống nhất với mục tiêu của 4 nhóm chính sách thể hiện tại bản đề nghị xây dựng luật, tuy nhiên Chính phủ yêu cầu rà soát, nghiên cứu tập trung và đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn đối với một số giải pháp trọng tâm, thực sự cần thiết. 

Chính phủ đặc biệt lưu ý, nội dung mới mà chưa có quy định pháp luật điều chỉnh để giải quyết vướng mắc thực tiễn, bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định pháp luật liên quan.

Yêu cầu khác đề ra với việc sửa đổi lần này là luật phải phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, nâng cao chất lượng lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước trong tình hình mới.

Đối với các quy định về các loại quỹ cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng sự cần thiết thành lập mỗi loại quỹ, làm rõ hơn mô hình hoạt động và cơ chế huy động nguồn vốn là quỹ tài chính ngoài ngân sách có sự hỗ trợ của Nhà nước hay quỹ ngoài ngân sách thực hiện cơ chế xã hội hóa; tác động của các quỹ này với các cơ chế tài chính hiện hành, đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tính linh hoạt trong việc điều hành chính sách của Chính phủ.

Hướng tới bảo vệ người lao động 

Tại phiên họp chuyên đề xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 mới đây, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sửa đổi Luật Việc làm sẽ giúp mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, phát triển kỹ năng nghề, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững, quyền tiếp cận chính sách an sinh cho tất cả lao động.

Việc sửa đổi luật Việc làm hướng tới 4 nhóm chính sách bao gồm: quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.

Nhóm chính sách thứ nhất về quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, Bộ trưởng Dung cho biết, nội dung bao gồm phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động đồng bộ, thống nhất; nâng cao năng lực thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm (công và tư); quản lý nguồn lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động đồng bộ, thống nhất...

Chính phủ đốc thúc sửa luật Việc làm  - 2

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sửa luật Việc làm sẽ giúp mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững…

Nhóm chính sách thứ hai là hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, luật sửa đổi sẽ mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động.

Về nhóm chính sách phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, nhóm chính sách này sẽ tập trung vào các nội dung về quy định bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất khung trình độ quốc gia với khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia.

Tăng cường sự tham gia của các bên trong phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, tăng tính mở và linh hoạt trong việc nâng cao kỹ năng nghề.

Nhóm chính sách thứ 4 về nâng cao tính bền vững của thị trường lao động, người đứng đầu ngành lao động cho biết, trong bối cảnh tình trạng lao động bị ngừng việc, giảm giờ làm từ cuối năm 2022 tới nay, nhóm chính sách này hướng tới mục tiêu thúc đẩy tạo việc làm theo hướng chủ động, bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là cho các nhóm lao động phi chính thức, lao động yếu thế.

Chính phủ đốc thúc sửa luật Việc làm  - 3

Theo Bộ trưởng Dung, các chính sách nêu trên cần xây dựng đồng bộ, bổ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động cũng như chất lượng nguồn nhân lực cho nước nhà.

Ông nhấn mạnh, với 4 nhóm chính sách được đề cập, luật Việc làm (sửa đổi) sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách hỗ trợ học nghề và thúc đẩy việc làm theo hướng bền vững.

"Việc sửa đổi luật Việc làm sẽ hỗ trợ hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước, giúp lao động dễ dàng tìm việc làm, tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp.

Hàng triệu người lao động trên cả nước sẽ được thụ hưởng chính sách thông qua các trung tâm này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.