1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chiêu lừa ra nước ngoài làm việc thu nhập cao

Nhắm đến những người nghèo, kém hiểu biết, thậm chí cả trẻ con, đối tượng xấu đã tỉ tê họ ra nước ngoài làm việc với thu nhập cao. Nhưng thực tế hoàn toàn khác với những lời hứa hẹn…

Nhóm trẻ ở Hà Giang được giải cứu
Nhóm trẻ ở Hà Giang được giải cứu

Nộp tiền chuộc mới được về

Dù câu chuyện xảy ra đã hơn 1 năm, song mỗi khi nhắc đến những ngày tháng làm việc nơi xứ người, anh Hoàng Văn Phương, quê ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh vẫn không khỏi bàng hoàng. Vốn không có công việc ổn định, cuộc sống bí bách, đang trong lúc chán nản, anh được một vài người bạn ở Lạng Sơn rủ sang Trung Quốc làm việc.

Những người này quả quyết, chỉ cần qua biên giới sẽ có công việc tử tế với tiền lương rất cao. Nghĩ đến người vợ đang bụng mang dạ chửa, anh Phương lập tức đồng ý.

Sang xứ người, anh Phương và nhóm bạn được chủ một lò than phân công nhiệm vụ hàng ngày chui vào lò đào than. Việc vận chuyển từ trong hầm lò ra ngoài bằng những phương tiện rất thô sơ và vất vả. Công việc bắt đầu từ 5h và kết thúc lúc 20h. Làm việc quần quật như vậy nhưng cai thầu, chủ lò cho công nhân ăn uống rất kham khổ. Cầm cự được hơn 1 tháng, anh Phương và nhóm bạn hỏi tiền công thì chủ lò chỉ trả số tiền rất ít ỏi.

Biết bị lừa, anh Phương và nhóm bạn tìm cách bỏ trốn. Tuy nhiên, đoán biết được ý định của nhóm thợ người Việt Nam, các đối tượng đã giam lỏng tất cả vào một khu vực rồi cử người canh gác. Chúng yêu cầu nhóm thợ có hai lựa chọn, một là ở lại tiếp tục làm việc với giá công rẻ mạt còn nếu muốn về nước thì phải bảo người nhà mang tiền chuộc. Không còn cách nào khác, anh Phương đã phải gọi điện thoại về nhà nói người thân chuyển sang gần 10 triệu đồng mới được về. Giấc mộng “thoát nghèo” với anh Phương bây giờ chỉ là nỗi sợ hãi mỗi khi nhắc đến.

Câu chuyện của anh Phương khiến chúng tôi liên tưởng đến thân phận của nhiều chị em phụ nữ ở huyện Thạch Thất, Hà Nội. Trong thời gian dài, toàn huyện có gần 130 chị em, phụ nữ nghe theo lời tỉ tê, sang bên kia biên giới làm ăn và nhiều người vẫn chưa trở về, còn người trở về lại đầy ắp ưu tư.

Trong số ấy có người thân của chị Nguyễn Thị H, người dân tộc Mường, trú ở thôn Luồng, xã Yên Trung. Năm 2000, giữa lúc gia cảnh khốn khó, bà N (mẹ chồng chị H) bỗng dưng “mất tích” và mãi 5 năm sau, chị H mới tìm ra nguyên nhân.

“Biết gia đình khó khăn, có người đến rủ mẹ em rằng, phải đi làm ăn xa cuộc sống mới khá lên được. Nào ngờ, mẹ em sang bên đó cũng sống ở nông thôn và phải đi trồng rau thuê. May mà vì đã có tuổi nên bà không bị ép làm vợ người khác hay bị bán vào ổ mại dâm” - chị H. nhớ lại.

Công an tỉnh Hòa Bình đấu tranh với đối tượng Quách Đức Thường
Công an tỉnh Hòa Bình đấu tranh với đối tượng Quách Đức Thường

Chung một thủ đoạn

Hiện tượng dụ dỗ, đưa người trái phép ra nước ngoài chủ yếu diễn ra ở những tỉnh vùng sâu, vùng xa và nạn nhân là những người nông dân nghèo, thu nhập thấp. Mới đây, Cơ quan ANĐT - Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố, tạm giam Quách Đức Thường (SN 1977, HKTT tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) về hành vi nêu trên.

Từng trốn sang Trung Quốc lao động trái phép, nghe theo lời tỉ tê của ông chủ, Thường quay về Việt Nam tìm người lén đưa qua bên kia biên giới. Tối 6-3-2016, tại khu vực bến xe Yên Nghĩa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội, tổ công tác Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp với CAP Yên Nghĩa bắt quả tang Quách Đức Thường đang tổ chức đưa 19 người trốn đi nước ngoài trái phép.

Trước đó, khoảng cuối tháng 2-2016, Cơ quan ANĐT - Công an tỉnh Hòa Bình đã thực hiện lệnh tạm giam Triệu Văn Thuận (SN 1970, trú tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) cũng về hành vi tổ chức đưa 13 người trốn đi nước ngoài trái phép.

Cùng thời điểm này, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã giải cứu được 9 trong tổng số 28 thiếu niên vùng cao bị dụ dỗ, lừa sang Trung Quốc để “lao động với thu nhập cao”. Trước đó, khoảng 22h15 ngày 13-3, tại khu vực biên giới thuộc khu 2, phường Ka Long, TP Móng Cái, lực lượng chức năng phát hiện 9 cháu nhỏ gồm 7 nam, 2 nữ (đều sinh năm 2001, 2002) nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Qua kiểm tra xác định, các cháu đều là người dân tộc Mông, trú tại xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê và xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Đầu tháng 3-2016, có 2 nhóm người đã đến các huyện Bắc Mê và Quản Bạ dụ dỗ các cháu sang Trung Quốc làm thuê, hứa hẹn sẽ trả lương cao. Do còn quá nhỏ, chưa nhận thức được mối nguy hiểm nên các cháu rủ thêm nhiều bạn đi cùng. Có tổng số 28 cháu, chia làm 2 nhóm đã theo những người đàn ông lạ mặt lên ôtô đi đến huyện Đồng Văn (Hà Giang) vượt đường mòn sang Trung Quốc.

Gần đây nhất, Đội CSGT số 14 (CATP Hà Nội) phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa đã chặn giữ chiếc xe khách BKS: 12B-001.53 chở 16 người đang trên đường sang Trung Quốc lao động trái phép. Cơ quan chức năng xác định đối tượng Nguyễn Văn Yêu (SN 1988, trú tại huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) có hành vi tổ chức và đã thu từ 3-5 triệu đồng/người trước khi lên xe.

Đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng các địa phương cần chủ động tuyên truyền để người dân nắm bắt, không nghe theo kẻ xấu trốn ra nước ngoài mà đôi khi có thể phải đánh đổi cả tính mạng.

Theo Báo An ninh Thủ đô