Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua Bưu điện
Sáng 7/1, bảo hiểm xã hội quận Đống Đa (Hà Nội) đã tổ chức chi trả lương, thưởng và trợ cấp BHXH qua hệ thống bưu điện thành phố Hà Nội. Đây là quận, huyện thứ 26 của thành phố áp dụng việc chi trả qua hệ thống bưu điện.
Theo ông Nguyễn Hoà Bình, cán bộ hưu trí phường Nam Đồng (Đống Đa), từ nhiều năm nay, việc nhận lương hưu vẫn được những đại lý của bảo hiểm xã hội thực hiện. Ông Nguyễn Hoà Bình cho biết: Thời kỳ đó, có lúc chi trả tại UBND phường. Nhưng thực tế thì người chi trả chỉ mượn địa chỉ này chứ không phải là nhiệm vụ của UBND phường.
Nay được biết việc thanh toán lương hưu sẽ qua hệ thống bưu điện thực hiện với những đảm bảo từ nhân viên, hệ thống xe chở bưu cục. Ngoài ra, thái độ tác phong của nhân viên bưu điện cũng khá dễ chịu. Ông Nguyễn Hoà Bình cho biết khá yên tâm với dịch vụ này.
Cũng tâm sự với ông Nguyễn Hoà Bình, bà Lại Thị Hoa - cán bộ hưu trí phường Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) nói: “Mỗi lần đến lấy lương chỉ cần chờ khoảng 10 phút. Số tiền nhận lương chúng tôi luôn nhận đầy đủ. Nhân viên ứng xử khá nhã nhặn. Thậm chí những người già ốm tại nhà, nhân viên bưu điện chủ động tới tận nhà để chi trả, chúng tôi tổ chức chi trả miễn phí”.
Để phục vụ cho công tác thanh toán, nhân viên Bưu điện còn ứng dụng phương pháp quét mã vạch trên sổ BHXH. Điều này giúp việc chi trả được nhanh chóng và chính xác.
Đánh giá về công tác này, ông Nguyễn Như Thành- Phó Giám đốc Bưu điện Trung tâm 3 cho biết, đơn vị đã có kinh nghiệm triển khai tại quận Tây Hồ (Hà Nội). Do đó, việc triển khai tại quận Đống Đa đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm.
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khảo sát kỹ lưỡng, phối hợp với các cơ quan liên quan. Trước đó, Bưu điện đã phối hợp chặt chẽ với BHXH quận và UBND các phường để tìm địa điểm chi trả phù hợp. Bên cạnh đó, lịch chi trả cũng đã được công bố; quy trình chi trả được tổ chức nhanh gọn, áp dụng lấy số thứ tự thay cho việc xếp sổ lĩnh lương, nhằm tránh tình trạng bị thất lạc sổ BHXH và nhận nhầm chế độ” - ông Nguyễn Như Thành.
Theo bà Đào Thị Thanh Thủy - Phó Giám đốc BHXH quận Đống Đa, ngày từ tháng 6/2016, BHXH quận đã cùng Bưu điện khảo sát, chọn địa điểm cho trả tại 21 phường và đã thống nhất chọn 41 địa điểm chi trả tại trụ sở các phường, nhà văn hóa và đình làng.
Qua khảo sát cho thấy, quận Đống Đa có hơn 52.000 đối tượng được chi trả trực tiếp và hơn 10.000 đối tượng chi trả qua ATM. “Do đó, việc thay đổi phương thức chi trả thời gian đầu cũng có khó khăn, xáo trộn, nhưng nhìn chung thái độ làm việc của nhân viên Bưu điện đã được người dân đánh giá cao”- bà Đào Thị Thanh Thủy khẳng định.
Theo ghi nhận của phóng viên, buổi chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội của bưu điện Hà Nội tại phường Nam Đồng đã thành công. Hàng trăm cán bộ hưu trí và đối tượng nhận trợ cấp đã được phục vụ nhiệt tình và đầy đủ.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua hơn 3 năm triển khai, công tác chi trả lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng qua Bưu điện đã triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố. Thông qua đó, Tổng Công ty bưu điện VN đã triển khai tại 14.400 điểm, chi trả cho 2,9 triệu người và số tiền chi trả lên tới 8.000 tỷ đồng/tháng.
Văn Lịch
Tin liên quan:
BHXH TP HCM: Từ chối thanh toán 100 tỷ đồng viện phí
Theo ông Cao Văn Sang - Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố HCM, cơ quan này vừa từ chối thanh toán 100 tỉ đồng viện phí cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Nguyên nhân là các bệnh viện thanh toán có những dịch vụ kỹ thuật không thuộc danh mục thanh toán của BHYT, sử dụng thuốc ngoài danh mục và có dấu hiệu lạm dụng chỉ định cận lâm sàng. Cũng theo BHXH TP HCM, năm 2016, quỹ BHYT ở TP HCM thu trên 45.200 tỉ đồng. Mặc dù chi phí viện phí năm 2016 đã tăng 2 lần, nhưng sau khi thanh toán cho các bệnh viện và chi phí hoạt động, quỹ vẫn dự kiến kết dư khoảng 600 tỉ đồng. Năm 2015, quỹ kết dư khoảng 2.100 tỉ đồng. Được biết tại TP HCM, đối tượng tham gia BHYT tự nguyện năm 2016 là hơn 661.000 người, trong đó hộ gia đình tham gia trên 308.000 người. Số liệu này tăng nhanh so với các năm trước. Lý do là viện phí BHYT điều chỉnh tăng trong năm 2016 và tiếp tục tăng vào năm 2017.
P.H
Nơi nộp và giấy tờ của hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Bạn Lưu Đức Hoà (Đồng Nai) hỏi: Tôi là công nhân khu công nghiệp Đồng Nai. Tôi đã có hơn 8 năm làm việc và được công ty tại đây đóng BHXH BHTN. Sắp tới tôi sẽ nghỉ việc tại công ty này. Vậy xin hỏi tôi phải nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại cơ quan nào? Các giấy tờ cần thiết gồm những gì?
Trả lời:
- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
- Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm: Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: hợp đồng lao động, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động; Sổ bảo hiểm xã hội (Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động).
Như vậy, nếu muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, ông Lưu Đức Hòa nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi bạn muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo các quy định nêu trên.
Việc làm