1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chị nông dân biến phế phẩm dừa thành "đồ xịn" đắt hàng ở trời Âu

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Từ vỏ dừa, gáo dừa bỏ đi, chị My tạo nên những vật dụng "xanh" mà thị trường các nước phát triển ưa chuộng, cứ làm ra bao nhiêu lại có đối tác mua sạch.

Chị Lê Thị Huế My (33 tuổi, ngụ ở xã Châu Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre) hiện đang là chủ một cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ dừa cùng một homestay giữa vườn dừa. Chị My cũng là đại diện của một thương hiệu chuyên gia công các sản phẩm mỹ nghệ dừa phục vụ thị trường Âu Mỹ và Hàn Quốc.

Chị nông dân biến phế phẩm dừa thành "đồ xịn", đắt hàng ở trời Âu (Video: Nguyễn Cường).

Chị My chia sẻ, gia đình chị có nghề truyền thống chế tác phế phẩm dừa như vỏ, gáo, thân dừa thành các vật dụng, đồ trang trí. Tuy nhiên kể từ những năm 2000, sự tràn lan của đồ nhựa, đồ nhôm giá rẻ khiến đồ dùng từ dừa gần như không bán được. Có giai đoạn xưởng chế tác mỹ nghệ dừa của gia đình chị My đã phải dừng hoạt động.

Thấy những đồ dùng từ dừa không chỉ có giá trị sử dụng mà còn là giá trị văn hóa truyền thống, còn là cơm áo của người trồng dừa. Năm 2010, chị và chồng đã xoay xở nhiều cách để cố gắng tìm đầu ra cho hàng mỹ nghệ dừa vì không nỡ nhìn nghề truyền thống bị xóa sổ. 

Tuy nhiên chào hàng trong nước gần như vô vọng, các điểm dừng chân, các khách sạn, khu du lịch có ăn hàng nhưng số lượng không nhiều.

Chị nông dân biến phế phẩm dừa thành đồ xịn đắt hàng ở trời Âu - 1

Công việc chế tác nhẹ nhàng và đơn giản tạo nhiều việc làm cho phụ nữ trong vùng (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Năm 2016, tôi bắt đầu chào hàng trên các trang thương mại điện tử quốc tế, bất ngờ khi có rất nhiều khách hàng Âu Mỹ quan tâm. Khi nhận được hàng, phản hồi của khách cũng rất tốt", chị My chia sẻ.

Từ những đơn hàng lẻ, rất nhanh chóng có các đối tác muốn mua số lượng lớn, xưởng thủ công của gia đình chị My không đủ hàng để cung cấp. Chị My cùng chồng đã quyết định nghỉ hẳn việc ở thành phố, về quê mua máy móc, mở rộng xưởng, thuê thêm nhân công để sản xuất hàng loạt.

Chị nông dân biến phế phẩm dừa thành đồ xịn đắt hàng ở trời Âu - 2

Để xuất khẩu, chị My áp dụng nhiều máy móc để sản xuất số lượng lớn và sản phẩm chất lượng đồng đều (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Khách hàng Âu Mỹ yêu cầu rất cao, hàng phải chuẩn mẫu mã, đồng đều nên buộc phải có máy móc sản xuất hàng loạt. Chúng tôi đã mua các loại máy khắc, tiện về rồi tinh chỉnh lại cho phù hợp với việc thao tác trên chất liệu dừa.

Có những giai đoạn cao điểm, khách đặt từ 60.000 đến 100.000 sản phẩm mỗi tháng, tự mình không thể làm đủ nên tôi đã liên kết với 15 xưởng trong và ngoài tỉnh để cùng sản xuất, thường xuyên sử dụng khoảng 150 nhân công", chị My cho biết.

Chị nông dân biến phế phẩm dừa thành đồ xịn đắt hàng ở trời Âu - 3

Tuy sản phẩm giá trị không lớn nhưng mỗi tháng chị My đều xuất khẩu một lượng hàng không nhỏ (Ảnh: Nguyễn Cường).

Với tiêu chí "nói không với nhựa", xưởng của chị My sản xuất chủ yếu gồm đồ gia dụng, đồ nhà bếp, đồ chơi trẻ em và đồ lưu niệm - trang trí đều hoàn toàn từ dừa. Những sản phẩm nhỏ, đơn giản như thìa muỗng có giá trên 10.000 đồng ở thị trường Việt Nam, những sản phẩm lớn hơn như ly nước, bát đĩa có giá từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng. Một số sản phẩm trang trí yêu cầu chế tác công phu sẽ có giá cao hơn.

Thông qua sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ xưởng của chị My, nhiều đoàn khách quốc tế đã biết và đến Bến Tre du lịch, trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa. Chị My chia sẻ, những năm gần đây nguồn thu từ khách du lịch đến xưởng ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, dự kiến sẽ đạt 1/3 tổng thu nhập trong thời gian tới.

Chị nông dân biến phế phẩm dừa thành đồ xịn đắt hàng ở trời Âu - 4

Không chỉ bán sản phẩm, chị My đang hướng tới bán "giá trị văn hóa" trong nghề truyền thống thông qua du lịch (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ông Dương Bảo Quốc - Phó chủ tịch UBND xã Châu Hòa cho biết, thời gian qua Công ty Yes Coco của vợ chồng chị My đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động trong xã, đưa khách du lịch về địa phương góp phần phát triển kinh tế và quảng bá hình ảnh. Chia sẻ thành công của mình, thời gian qua chị My đã đóng góp rất nhiều cho địa phương trong các chương trình an sinh xã hội, tặng quà nhân ái cho người nghèo, trẻ em.

"Địa phương rất ủng hộ, đã tuyên truyền quảng bá, tạo điều kiện để cơ sở phát triển để góp phần tạo nên những giá trị mới cho sản phẩm dừa", ông Quốc nói thêm.