Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh:

Chỉ hỗ trợ lao động tự do khó khăn, mất việc làm và giảm sâu thu nhập

Phan Hoàng

(Dân trí) - “Để nhận được tiền hỗ trợ từ gói 62 nghìn tỷ, lao động tự do phải đáp ứng điều kiện trước hết là mất việc, không có thu nhập, hoặc thấp hơn chuẩn cận nghèo và phải cư trú hợp pháp tại địa phương...".

Chỉ hỗ trợ lao động tự do khó khăn, mất việc làm và giảm sâu thu nhập - 1

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh trả lời những khúc mắc của bạn đọc Dân trí

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh chia sẻ về các điều kiện đối với lao động tự do cũng như tinh thần và nguyên tắc đặt ra trong quá trình xây dựng gói chính sách tại chương trình Giao lưu trực tuyến “Ai sẽ được hưởng lợi từ gói 62.000 tỷ đồng” diễn ra sáng ngày 8-5. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH và Báo điện tử Dân trí phối hợp tổ chức.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, trong số các nhóm đối tượng thụ hưởng gói an sinh xã hội này, thì nhóm đối tượng lao động phi chính thức, mà chúng ta hay gọi là lao động tự do, có công việc bấp bênh, thay đổi nhiều và thu nhập không ổn định...

Vì vậy, đây là nhóm đối tượng khó chi trả nhất vì rất khó được xác định đối tượng này.

Do vậy, khi thiết kế xây dựng chính sách hỗ trợ, Bộ LĐ-TB&XH xác định trước hết lao động tự do như là những người bán hàng rong, người buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, người thu gom phế liệu, bốc xếp, vận chuyển hàng hóa, xe ôm, người bán vé số...

Ngoài đối tượng nêu trên, Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định các căn cứ, các điều kiện để tùy tình hình thực tế ở địa phương có thể mở rộng thêm đối tượng này. Tất nhiên, khi mở rộng thêm các đối tượng, các địa phương phải căn cứ vào điều kiện ngân sách của địa phương để có quy định thêm.

Liên quan đến nội dung này, bạn đọc Báo Dân trí thắc mắc, liệu có xảy ra tình trạng, 2 tỉnh ở cạnh nhau và đều có nhóm lao động tự đặc thù ngoài 6 nhóm nêu trong QĐ 15 nhưng mức hỗ trợ của 2 tỉnh lại khác nhau dẫn đến sự không bình đẳng hay không.

Trả lời thắc mắc của bạn đọc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, ngân sách địa phương chi trả cho các đối tượng được mở rộng nhưng mức hỗ trợ thì đều bằng nhau. Quy định đã đưa ra mức hỗ trợ rồi, mỗi người được 1 triệu đồng một tháng mất việc.

Quy định cụ thể mức hỗ trợ thì như nhau, cho nên dù ở tỉnh này hay tỉnh khác thì các đối tượng là lao động tự do thì hưởng mức như nhau. Chỉ khác nhau thời gian mất việc, có người mất việc một tháng, hai tháng hay ba tháng, nhưng tất cả chỉ được hỗ trợ tối đa là ba tháng.