Đắk Nông:
Chi cả chục triệu đồng/vụ, nhiều chủ vườn vẫn thiếu lao động hái cà phê
(Dân trí) - Thời điểm cà phê được giá, từng dòng người từ khắp nơi đổ về Tây Nguyên để hái cà phê thuê. Thế nhưng, giá cà phê ngày càng xuống thấp, không còn mấy người mặn mà với nghề hái thuê này nữa.
"Đỏ mắt" tìm người hái cà phê
Theo nhiều người chủ vườn cà phê ở Đắk Nông, đã có thời kỳ, nghề hái cà phê thuê đã mang lại cuộc sống ổn định cho hàng ngàn lao động phổ thông.
Tuy nhiên, 3-4 năm trở lại đây, khi càng nhiều diện tích trồng cà phê được chuyển đổi sang cây trồng khác, giá nông sản này xuống thấp, năng suất không cao khiến cho nghề hái cà thuê không còn “nóng”.
Nhiều chủ vườn chật vật tìm nhân công dù đã bước vào chính vụ thu hoạch. Từ giữa tháng 11 tới nay, gia đình anh Nguyễn Văn Dũng (xã Đắk Drô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) bắt đầu tiến hành thu hoạch tại rẫy cà phê.
Theo anh Dũng, năm nay giá nhân công cao hơn năm ngoái nhưng vẫn… khó tìm vì vườn cà phê không đạt năng suất, trái ít. Do chỉ thuê được 2 người nên ngày nào vợ chồng anh cũng có mặt trên rẫy từ sáng sớm tới tối mịt để tập trung thu hái.
“Bây giờ không còn cảnh nhân công đến từng vườn xin hái thuê nữa mà chủ vườn phải tự đi tìm người về hái. Rẫy nhà tôi chưa chín đều, ba bốn nhóm đến xem rồi bỏ đi. Họ nói nếu hái 1 lượt cả quả chín và quả xanh thì nhận, chứ hái chọn (hái thành nhiều đợt) thì rất mất công”, anh Dũng cho biết.
Cũng theo anh Dũng, những năm trước thì hái khoán theo ngày công. Thế nhưng vì mất mùa hoặc vì chín không đều, họ chuyển qua hái khoán theo cân. Cứ 1.000- 1.200 đồng/kg quả cà phê nên họ thường chọn vườn nào chín rộ, hái một lượt để không mất công, mất thời gian.
May mắn hơn nhà anh Dũng, gia đình ông Hiền (trú cùng xã) thuê được 10 nhân công từ tỉnh Đắk Lắk. Theo ông Hiền, từ ba năm nay đã làm phát sinh hình thức mới là hái thuê theo sản lượng.
Người hái thuê phần lớn chọn hình thức hái theo sản lượng: Với giá 1.000 đồng/kg cà phê tươi thay vì theo ngày công như trước đây. Có người một ngày có thể hái được khoảng 4 tạ cà phê tươi, đạt thu nhập 400.000 đồng/ngày.
Tuy nhiên, nhờ đưa ra nhiều “ưu đãi” nên nhóm người hái thuê đồng ý nhận hái khoán theo diện tích cho ông Hiền. Ông này ước tính năng suất của 2 ha cà phê sẽ đạt gần 10 tấn và sẽ tốn khoảng 50 triệu tiền công thu hoạch.
“Phải “mời” họ xuống hái thuê, bố trí ăn ở, nấu nướng cho họ. Nắng nóng quá thì mua nước ngọt, buổi tối thì mua đồ ăn ngon. Nói chung là phải “chiều” người hái, chứ không họ giận là họ bỏ về giữa chừng. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thu hoạch là nháo nhác lên tìm người hái. Cà phê để lâu quá sẽ bị chín rụng hoặc bị mọt ”, ông này chia sẻ kinh nghiệm.
Cạnh tranh để "giữ chân" người làm thuê
Anh Y Dem (trú tỉnh Đắk Lắk) - một người có kinh nghiệm đi hái cà phê thuê 7 năm cho biết, gia đình trồng lúa nên mùa này công việc rảnh rỗi.
Vào mùa hái cà phê, gia đình 7 người của anh lại khăn gói xuống Đắk Nông hái thuê. Trung bình mỗi vườn, gia đình anh thường thu hoạch từ 4 ngày hoặc 1 tuần, cho thu nhập có khi lên đến cả chục triệu đồng.
Đặc biệt, anh chỉ nhận những chủ vườn quen biết từ những năm trước và chủ vườn phải bố trí chỗ ăn, ở cho cả gia đình anh.
“Tuần trước, 7 người chúng tôi vừa hái xong 1 ha cà phê với giá 12 triệu đồng vì vườn này nhiều trái. Ở đây chỉ việc đi hái cà phê, cơm canh chủ nhà lo hết. Đặc biệt, nếu biết giữ gìn cây, không bị gãy cành thì chủ vườn thường cho thêm tiền xe, quà cáp sau khi hái xong”, anh này khoe.
Thiếu nhân công hái cà phê nên các chủ vườn cũng phải chịu “lép vế ” trước những đòi hỏi, yêu sách của nhân công.
Các chủ vườn cũng cạnh tranh với nhau bằng cách trả giá cao hơn, cộng thêm các khoản bồi dưỡng bữa ăn, nước uống giải khát để kéo nhân công về phía mình.
“Do khan hiếm nhân công, những người hái thuê khoán sản phẩm thường đến rẫy xem trước. Họ mà nhận hái rồi cũng chưa yên tâm, trong lúc hái thì phải nói nhỏ nhẹ. Nếu có hỏng cây cũng phải nhắc nhở khéo chứ không họ tự ái, họ không hái nữa”, anh Vượng, một chủ vườn tại xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil cho hay.
Chủ vườn này cũng chia sẻ câu chuyện dở khóc, dở cười mà mình gặp phải trong
"Chợ nhân công" mùa hái cà phê
Khoảng 10 ngày nay, dọc quốc lộ 28 đoạn qua huyện Đắk G’long và quốc lộ 14 đoạn qua huyện Đắk Mil cũng hình thành nhiều điểm “giao dịch việc làm”.
Nhân công hái cà phê sẽ tập trung tại một chỗ, chờ chủ vườn đến thuê. Đặc biệt, họ chỉ chấp nhận hái khoán cho chủ vườn nếu chủ vườn mang xe đến … đón họ đi.
mùa cà năm ngoái. Chỉ vì nhờ nhóm người hái thuê bốc hộ cà phê tươi cho vào lò sấy nhưng “quên” không gửi tiền thuốc nước, nửa đêm cả nhóm 10 người lặng lẽ thu dọn quần áo, rời đi chỗ khác.
“Họ thì ở trong rẫy, tôi thì ở ngoài nhà. Đến sáng hôm sau vào rẫy để đưa nhóm người này đi hái cà phê thì mới phát hiện họ bỏ đi rồi”, anh này kể lại.
Theo nhiều chủ vườn cà phê, khi còn ở thời điểm "hoàng kim", tức là giá cà phê ở mức cao, cứ bước vào mùa thu hoạch là lao động từ khắp nơi lại về vùng trồng cà phê ở Đắk Nông làm nghề hái thuê.
Vài năm gần đây, ở các tỉnh đồng bằng, lao động phổ thông thường chọn làm công nhân ở các khu công nghiệp vì không vất vả, cực như đi hái cà phê thuê. Trong khi đó, ngay tại địa phương, một số vùng lao động trẻ lại đi các thành phố lớn kiếm việc nên nhân công hái cà phê trở nên thiếu hụt hẳn.