Chế tài với doanh nghiệp chậm trả lương, thưởng Tết
(Dân trí) - Những ngày cuối năm, một số địa phương xảy ra tình trạng người lao động ngừng việc phản đối doanh nghiệp chậm trả lương, thưởng Tết. Trong trường hợp này, hướng giải quyết như thế nào?
Ngày 30/12, hàng chục người mặc đồng phục công nhân căng băng rôn trước cổng một công trình xây dựng trên đường Đỗ Xuân Hợp, thành phố Thủ Đức, TPHCM yêu cầu chủ thầu xây dựng trả tiền công.
Theo công nhân, nhà thầu xây dựng dự án này trả tiền công cho công nhân không ổn định. 3 tháng vừa qua, đến kỳ lương mà công ty không thanh toán và nhiều lần hứa hẹn nhưng không thấy trả lương.
Trước đó, ngày 20/12, 100 lao động đang làm việc tại một công ty may mặc ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương ngừng việc tập thể để phản đối công ty chưa trả lương tháng 11/2022.
Theo đại diện công ty, do đơn hàng giao đi mà khách hàng chưa thanh toán kịp nên công ty gặp khó khăn về việc trả lương cho người lao động. Vì vậy, công ty buộc phải nợ lương và đến tháng 1/2023 mới trả hết lương tháng 11/2022.
Căn cứ Điều 94 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.
Điều 97 Bộ luật Lao động cũng quy định thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ. Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương cho người lao động đúng thời hạn theo thỏa thuận.
Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì cũng không được chậm quá 30 ngày.
Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm (tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động).
Như vậy, nếu không có lý do bất khả kháng thì doanh nghiệp không được phép chậm lương của người lao động. Nếu chậm trả lương, doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Cụ thể, Điều 17 Nghị định này quy định phạt tiền nếu người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: Trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc…
Số tiền phạt tùy vào quy mô ảnh hưởng của hành vi vi phạm trên. Phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động. Phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động. Phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động. Phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động. Phạt từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Đồng thời, cơ quan quản lý lao động bắt buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động.
Tiền lãi tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Khi bị chậm trả lương, thưởng Tết, người lao động có thể gửi đơn khiếu nại đến ban lãnh đạo doanh nghiệp để yêu cầu trả lương, thưởng.
Nếu yêu cầu chính đáng không được doanh nghiệp giải quyết, người lao động có thể khiếu nại tiếp đến cơ quan quản lý lao động là Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương mà doanh nghiệp đặt trụ sở để yêu cầu can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho mình.
Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động trong Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ TẠI ĐÂY.