Chạy xe ôm rồi lập tiệm hải sản, cô gái kiếm chục triệu đồng mỗi tháng
(Dân trí) - Rời Kiên Giang lên TPHCM mưu sinh, Ngân chạy xe ôm để kiếm vốn mở xe hải sản. Sau một năm hoạt động, xe hải sản đó giúp Ngân thu về 12 triệu đồng tiền lời mỗi tháng.
Chạy xe ôm kiếm vốn để mở xe bán hải sản
Đó là câu chuyện của chị Trịnh Nguyễn Trúc Ngân (sinh năm 1990), chủ của một tiệm bán đồ hải sản tại 142 Tôn Đản (quận 4, TPHCM). Tiệm của chị thu hút hàng trăm lượt khách ghé mua mỗi đêm.
Năm 2018, chị Ngân gặp khó khăn trong công việc, tiền lương khi ấy không đủ trang trải chi phí sinh hoạt và giúp đỡ gia đình. Ngân quyết định rồi quê hương Kiên Giang lên TPHCM kiếm công việc có thu nhập tốt hơn để trang trải cuộc sống, đồng thời gửi về quê cho gia đình.
Khi mới đặt chân lên TPHCM, chị đăng ký chạy xe ôm công nghệ. Lúc đó, xe ôm công nghệ mới vào thị trường Việt Nam nên còn ít tài xế chạy. Sau hơn 6 tháng chạy xe ôm, chị Ngân gom góp được một ít vốn nên đầu tư mở một xe hải sản nhỏ, mỗi ngày bán tầm 5kg tôm càng xanh.
"Do bản thân là một người rất thích kinh doanh và đam mê các món về hải sản nên mình mới mở xe hải sản nhỏ. Lúc mới lên TPHCM, chân ướt chân ráo chưa có vốn nên mình đăng ký chạy xe ôm công nghệ. Chạy trong vòng 6 tháng miệt mài thì mình tiết kiệm được khoảng 20 triệu để bắt đầu kinh doanh hải sản", chị Ngân tâm sự.
Thời điểm đó, mỗi ngày chị Ngân và người em phải chạy liên tục 12 tiếng để có thể có tiền lo các chi phí sinh hoạt, đồng thời bỏ vào quỹ dần dần để mở xe hải sản.
Khi xe hải sản nhỏ ấy đi vào hoạt động, chị Ngân nhận được sự ủng hộ của khách hàng, rồi từ chiếc xe chỉ có vỏn vẹn 5kg tôm càng xanh mỗi ngày phát triển thành xe hải sản với đủ loại như: tôm càng xanh, tôm hùm, ghẹ, cua, vẹm,… với giá cả bình dân nên mỗi tối thu hút hàng trăm lượt khách ghé ủng hộ.
Một điểm thu hút khách hàng tại xe hải sản này là các hải sản được chế biến thành rất nhiều món với 8 loại sốt khác nhau. Các loạt sốt này đều do em gái Ngân chế biến nhờ vào 4 năm học ngành chế biến món ăn.
"Giá cả của xe hải sản khá là bình dân. Ví dụ như combo tôm càng xanh có giá 200.000 đồng, tôm hùm bán theo con với giá dao động từ 250.000 - 700.000 đồng một con. Nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của khách hàng nên mỗi tháng sau khi trừ hết chi phí, mình cũng lãi khoảng 12 triệu đồng", chị Ngân chia sẻ.
"Vì dịch Covid-19 nên cả năm nay mình chưa về nhà…"
Nguồn hải sản của chị Ngân chủ yếu đến từ chợ đầu mối Bình Điền và Vũng Tàu. Mỗi ngày, Ngân thức dậy từ lúc 3h sáng để ra chợ mua hải sản rồi về chế biến nguyên liệu đến trưa, dọn ra bán đến 12h đêm thì nghỉ.
"Bản thân mình từ quê lên thành phố để lập nghiệp nên phải cố gắng làm để kiếm tiền gửi về quê, phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống, nên mình không cho phép bản thân lười biếng, trì trệ công việc", chị Ngân tâm sự.
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, xe hải sản của cô gái sinh năm 1990 này cũng vắng khách hơn. Có ngày, xe hải sản của Ngân cũng lỗ vốn vì bán cả ngày mà chỉ có vài người mua được 1, 2 kg.
"Lúc tình hình dịch nghiêm trọng, mình không cho khách ngồi ở lại như trước, chỉ mua mang về. Lúc đó, mình lo sợ sẽ không trụ nổi trước tình hình dịch", chị Ngân nhớ lại.
Khó khăn nhưng Ngân vẫn cố gắng kiên trì, duy trì hoạt động của xe hải sản để giữ mối khách. May mắn là qua tháng cách ly xã hội thì lượng khách dần trở lại quán quen và chị Ngân có lại vốn để duy trì việc kinh doanh
"Nguyên cả một năm nay, chị không dám về quê lần nào vì chị phải ở trên đây cặm cụi tìm cách duy trì buôn bán, cố kiếm một chút tiền gửi về quê cho cha mẹ lo cho các em ở quê", chị Ngân tâm sự.
Ngoài Ngân và em gái, xe hải sản của chị hiện đang tạo việc làm thời vụ cho 4 bạn học sinh, sinh viên với tiền công là 25.000 đồng/giờ.
Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Ngân vẫn duy trì việc thuê các em phụ bán. Bởi chị biết số tiền công dù nhỏ nhưng cũng có thể giúp các em đỡ đần bố mẹ một phần chi phí sinh hoạt.
Chị Ngân nói: "Năm tới chỉ mong dịch bệnh sẽ qua đi, mọi người đều có thể an toàn và công việc lại ổn định bình thường!".