Chật vật tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật
Các nhóm ngành nghề liên quan đến công nghệ, kỹ thuật đang có nhu cầu nhân lực rất cao. Tuy nhiên, việc tuyển sinh đào tạo các ngành nghề này lại khó khăn bởi rào cản cả về cơ chế và tư duy hướng nghiệp.
“Dư chấn” nghề chế tạo vỏ tàu
Chế tạo vỏ tàu thủy là một nghề được giao đào tạo của Trường CĐ Giao thông vận tải Trung ương 2 (An Dương, Hải Phòng). Nghề được đào tạo theo chương trình của Đức ở trình độ cao đẳng.
Chương trình được nhập về và có chuyên gia của Đức giám sát quá trình đào tạo. Học sinh, sinh viên được cấp bằng nghề của Việt Nam và chứng chỉ kỹ năng nghề của Đức. Các em học nghề này còn có cơ hội sang Đức làm việc… Tuy nhiên, nghề chế tạo vỏ tàu thủy tuyển sinh rất khó khăn, mặc dù chế độ ưu đãi rất tốt.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Dư chấn” của Vinashin để lại hậu quả cho rất nhiều lao động trong ngành mất việc làm mà không có chế độ gì, điều này ảnh hưởng lớn đến tư duy hướng nghiệp của phụ huynh và học sinh ở địa phương về nghề này.
Đây là nghề có môi trường làm việc khắc nghiệt, nóng bức, khói bụi và thậm chí là nguy hiểm. Mặc dù, trong quá trình học nghề và khi làm việc người lao động cũng đã được đào tạo và thực hiện các biện pháp bảo hộ, an toàn lao động cũng như những điều kiện làm việc tốt hơn. Nhưng khi tư vấn thì hầu hết phụ huynh đều không muốn cho con mình học nghề này.
Nhìn chung so với mặt bằng chung của xã hội thì lương công nhân đóng tàu còn thấp, học sinh tốt nghiệp ra trường mới vào nghề chỉ có thu nhập từ 6 – 7 triệu đồng/tháng. Hiện nay, các doanh nghiệp đóng tàu có nhu cầu nhân lực kỹ thuật rất cao, vào tháng 10 hàng năm các doanh nghiệp đều đến trường để tuyển dụng, nhưng không có học sinh để tuyển dụng.
Thực tế cho thấy, nhu cầu nhân lực nghề đóng tàu rất lớn, nhưng hạn chế cơ bản của nghề là “đầu ra” chưa hấp dẫn người lao động.
So sánh học nghề và đi làm ngay
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, những năm qua, trường thực hiện tuyển sinh và đào tạo theo mô hình 9+ nên kết quả tuyển sinh trình độ trung cấp luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, tuyển sinh trình độ cao đẳng thì vẫn còn nhiều khó khăn, đa số học sinh đào tạo mô hình 9+ sau khi tốt nghiệp đều đi làm ngay, rất ít các em có nguyện vọng học liên thông lên cao đẳng.
Đối tượng học sinh tốt nghiệp THPT không mặn mà với cao đẳng nghề, bởi trong suy nghĩ của phụ huynh và học sinh có sự so sánh giữa việc đi học nghề và đi làm. Để nhanh chóng có nguồn nhân lực, các doanh nghiệp nước ngoài, khu công nghiệp sẵn sàng tuyển dụng lao động phổ thông không có tay nghề vào đào tạo trong một thời gian ngắn để làm việc và có thu nhập ngay.
Nếu so sánh với việc mất thêm 3 năm để học cao đẳng nghề thì xu hướng đang nghiêng nhiều về đi làm ngay, bởi lợi ích trước mắt. Đây là một bất cập khiến công tác tuyển sinh hệ cao đẳng vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo ông Tuấn, những công việc được đào tạo kỹ năng đơn giản và nhanh chóng không bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động. Rất nhiều lao động tại các khu công nghiệp mất việc làm ngay từ độ tuổi 35 – 40 do những kỹ năng của họ không còn phù hợp. Ở độ tuổi này, mất việc trong tình trạng không có kỹ năng nghề cơ bản sẽ khiến người lao động rất khó khăn trong việc tìm kiếm một việc làm mới có hiệu quả.
Chính vì vậy, học nghề để có được trình độ kỹ năng nghề chuyên sâu sẽ vất vả hơn, nhưng về lâu dài với trình độ nghề nghiệp chất lượng cao, người lao động hoàn toàn chủ động trong việc tìm kiếm, chuyển đổi và phát triển sự nghiệp của mình. Đây cũng là lời tâm huyết chia sẻ đối với các em học sinh đang chuẩn bị rời ghế nhà trường phổ thông, để tiếp bước vào con đường nghề nghiệp tương lai.
Theo Anh Quang
Giáo dục thời đại