"Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước"

An Linh

(Dân trí) - "Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực phát triển...", ông Hiển nói.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban kinh tế trung ương tại Hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề "Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trong khuôn khổ diễn đàn cấp cao 4.0 do Ban Kinh tế trung ương đang diễn ra tại Hà Nội.

Theo ông Hiển, Việt Nam từ một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, đến nay Việt Nam đã thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế trên trường quốc tế ngày càng cải thiện và được đánh giá cao.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước - 1

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương phát biểu tại Diễn đàn

"Việt Nam trở thành đối tác hợp tác tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên", ông Hiển nói.

Theo đại diện Ban Kinh tế trung ương, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước còn chậm, năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp, việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực.

Theo ông Hiển, mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp.

"Việt Nam vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước... nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế", ông Hiển nhắc.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam hiện chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực phát triển.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cuộc CMCN4; Doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh.

"Khảo sát của Bộ Công Thương về mức độ sẵn sàng của các ngành công nghiệp Việt Nam trước CMCN4 cho thấy, với thang điểm 5, hầu hết các ngành đều có điểm số dưới 2,5 ở tất cả các khía cạnh", ông Hải cho biết.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nêu thêm, quá trình chuyển đổi trong 3 năm vừa qua tương đối chậm chạp, ít thay đổi do nguồn lực, nội lực của các doanh nghiệp còn hạn chế, các chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa nhiều.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước - 2

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại diễn đàn.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, dù vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng cạnh tranh công nghiệp, đã chuyển từ nhóm "các nước phát triển" lên nhóm "các nền kinh tế công nghiệp mới nổi". Tuy nhiên, giá trị gia tăng ngành chế biến chế tạo (MVA) bình quân đầu người vẫn còn khá thấp so với các nước trong khu vực (394 USD so với Malaysia 2.473 USD, Thái Lan 1.728, Indonesia 774 USD, Philippines 680 USD).

Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, thiếu tính liên kết giữa khu vực sản xuất với các cơ sở đào tạo, đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp công nghiệp còn thiếu kinh nghiệm cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, thiếu nền tảng lý thuyết khoa học về quản trị sản xuất, không có cơ hội tiếp cận với các phương pháp quản lý sản xuất hiệu quả.