1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chạnh lòng thương hồ bôn ba ngày Tết

Quanh năm rong ruổi, dọc ngang sông nước mưu sinh, Tết đến giới thương hồ mong một cuộc đoàn viên cũng không trọn vẹn.

Sáng mùng 1 Tết, bến Bình Đông (Q.8, TP.HCM) – một chợ hoa quả Tết trên sông đặc trưng của thành phố vắng lặng. Một vài ghe bán hoa quả Tết cố nán lại đậu chơ vơ trên bến sông chờ khách.

Bến sông Bình Đông ngày 30 chen chúc ghe chở hàng Tết.
Bến sông Bình Đông ngày 30 chen chúc ghe chở hàng Tết.

Ôm nợ vì “vỡ trận” chợ Tết…

Anh Ba Dũng (Nguyễn Sĩ Dũng) – một thương hồ quê Bến Tre, đứng bần thần nhìn chiếc ghe bầu còn đầy ắp những chậu tắc nặng trĩu quả. Chiếc ghe chở 500 gốc tắc này anh mang lên từ Chợ Lách (Bến Tre) từ ngày 25 Tết, nhưng tới chiều 30 Tết mới bán được 1/3 số lượng.

Cứ tưởng, việc anh cơi nới chiếc ghe bầu thành hai tầng để chở nhiều chậu tắc hơn sẽ mang lại mùa bội thu Tết thì với tình trạng bán buôn ế ẩm khiến chiếc ghe bầu trở thành thảm họa. Theo anh Dũng, chuyến hàng Tết này khiến anh lỗ gần 200 triệu đồng.

Chiếc ghe bầu đến chiều 30 vẫn còn đầy chậu tắc của anh Ba Dũng.
Chiếc ghe bầu đến chiều 30 vẫn còn đầy chậu tắc của anh Ba Dũng.

“Muốn có tắc bán Tết, tui phải mua ngay từ tháng 5 (âm lịch) khi cây mới vừa bung nụ. Chăm sóc, ấp ủ cây suốt 7 tháng, nhưng cuối cùng phải ôm nợ. Làm ăn phải có lúc thắng, thua, nhưng mất số tiền vài trăm triệu thật choáng váng với những thương hồ như chúng tui”, anh bộc bạch.

Theo anh Ba Dũng, số tắc tồn này phải đem đi đổ bỏ trên đường trở về quê đón Tết.

Anh Nguyễn Sĩ Dũng (trái) đặt chậu tắc lên xe cho khách hàng.
Anh Nguyễn Sĩ Dũng (trái) đặt chậu tắc lên xe cho khách hàng.

Trong khi đó, tại một chợ trái cây Tết trên đường Hậu Giang (Q.6), một bãi dưa hấu hàng ngàn quả bị vứt ngổn ngang. Anh Lâm Văn Hy – một thương hồ ở Long An cho biết, Tết năm nay anh đưa 5 tấn dưa hấu Mỹ Lộc (Cần Giuộc, Long An) về thành phố phục vụ người dân ăn Tết. Tuy nhiên, tới tận chiều 30 Tết, số dưa hấu của anh vẫn còn 3 tấn không tiêu thụ được.

“Lát nữa tui phải trả lại mặt bằng cho chính quyền địa phương, số dưa này xem như đổ bỏ. Tết này tui lỗ mấy chục triệu đồng tiền dưa”, anh Hy buồn thiu.

Các đoàn thể chính quyền đang thu dọn một bãi dưa hấu của anh Lâm Văn Hy trên đường Hậu Giang để trả lại mặt bằng cho người dân vui xuân.
Các đoàn thể chính quyền đang thu dọn một bãi dưa hấu của anh Lâm Văn Hy trên đường Hậu Giang để trả lại mặt bằng cho người dân vui xuân.

Theo anh Hy, nhiều thương hồ để có được ghe hàng bán tết phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi. Những năm bán được không nói gì, có những mùa tết nhiều người phải về quê ăn tết cùng món nợ vì hàng không bán được như Tết năm nay.

Đón giao thừa trên sông

Chiều muộn, anh Ba Dũng thối chí cho lui ghe về quê đón Tết với tâm trạng rối bời bời. Tôi hỏi anh làm sao về kịp để sum họp gia đình đón Giao thừa? Ba Dũng cười buồn: “Tình cảnh như thế này tui quen rồi. Rất nhiều năm tui phải đón Giao thừa trên sông. Đời thương hồ là vậy”.

Trong một góc chiếc ghe bầu, Ba Dũng đã đặt sẵn cái bàn thờ, cũng có chậu mai tết be bé đang nở rộ hoa, cặp bánh tét, quả dưa hấu “Tui cúng Giao thừa ngay trên sông”, anh thổ lộ.

Không như Ba Dũng chỉ đưa nhân công theo phụ bán, anh Nguyễn Văn Minh (Tiền Giang) – một thương hồ có thâm niên gần 20 năm, đưa cả vợ con theo ghe. Thường ngày, anh chị chở hàng đi khắp các tỉnh miền Tây. Mỗi năm khi tết đến, anh cùng vợ con lại chở kiểng, hoa tết lên Sài Gòn bán.

Chị Thủy – vợ anh Minh tâm sự, năm nào cũng vậy, hai vợ chồng bán hết hàng rồi quày quả trở về nhà là đã trưa mùng 1 Tết. “Đêm giao thừa tui cũng mua một ít bánh trái, nhang đèn cúng trên ghe. Dù có nhà cửa hay không thì cũng phải có bàn thờ để thể hiện lòng hiếu kính, tưởng nhớ của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Có năm ghe chết máy, phải neo lại chờ đến sáng sửa xong, hai vợ chồng về tới nhà đã sáng mùng 2 rồi. Ăn tết trên sông riết rồi cũng quen”, chị cười giả lả.

Dù lênh đênh trên sông nước nhưng những thương hồ vẫn chu toàn việc thờ cúng tổ tiên ngày Tết ngay trên ghe.
Dù lênh đênh trên sông nước nhưng những thương hồ vẫn chu toàn việc thờ cúng tổ tiên ngày Tết ngay trên ghe.

Anh Minh thuộc dạng “thương hồ nghèo”, mỗi chuyến hàng bỏ vốn vài chục triệu đồng, mua những chậu kiểng bình dân chở về phố. Anh bộc bạch, mỗi năm có vài ngày Tết để kiếm tiền. “Mỗi chậu kiểng tôi bán lời khoảng 5.000 - 10.000 đồng, trừ hết chi phí mỗi chuyến hàng kéo dài nửa tháng, vợ chồng tui kiếm được chục triệu đồng trang trải những ngày Tết”, anh chia sẻ.

Anh Minh dồn sức chống sào cho ghe lui không quên cất câu vọng cổ nghe não ruột“... Cuộc đời trôi theo con nước ròng, nước lớn. Kiếp thương hồ dọc ngang phiêu dạt, đón tết xa quê mà xao xuyến trong lòng...”.

Theo Danviet.vn