Chàng trai trẻ nuôi thỏ, nuôi trùn Ấn Độ, lãi 12 triệu/tháng

Bằng quy trình chăn nuôi khép kín, tận dụng các phế phẩm để tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất để nuôi thỏ, nuôi trùn Ấn Độ, anh Nguyễn Văn Thành (thôn 7B, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) có được thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.


Mô hình chăn nuôi khép kín hiệu quả, trong đó có nuôi thỏ giúp anh Thành thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Đ.S

Mô hình chăn nuôi khép kín hiệu quả, trong đó có nuôi thỏ giúp anh Thành thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Đ.S

Năm 2016, chàng thanh niên Nguyễn Văn Thành mạnh dạn vay vốn đầu tư chuồng trại, hình thành nên trang trại thỏ thịt. Mô hình ăn nên làm ra với quy mô hiện tại 700 con thỏ/lứa. Trong quá trình nuôi nhận thấy phân thỏ hằng ngày thải ra khá nhiều, ảnh hưởng đến môi trường, Thành nảy ra ý định tận dụng nguồn phân này để nuôi trùn làm thức ăn nuôi gia cầm...

Nghĩ là làm, đầu tháng 2.2018 anh Thành đặt mua 1,5 tạ sinh khối trùn Ấn Độ lai tại một trang trại ở tỉnh Thái Bình về nuôi trên diện tích 200m2. “Giống trùn lai rất dễ nuôi, cơ bản là phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp, thường xuyên phun sương giữ ẩm, chuồng trại được che chắn cẩn thận để tránh các loại côn trùng phá hoại. Thức ăn của trùn chủ yếu tận dụng từ phân gia súc, gia cầm… Đảm bảo ổn định thì sau đó mình thu hoạch trùn thương phẩm, trùn sinh khối không tốn kém nhiều về chi phí” - anh Thành cho biết.

Song hành, anh Thành tiếp tục đầu tư chuồng trại nuôi 2.000 chim cút và 100 con gà ta thả vườn. Nhờ lấy trùn lai làm thức ăn cho cút và gà giúp tiết kiệm khoảng 40% chi phí thức ăn. Đồng thời việc này còn giúp chim cút và gà lớn nhanh, sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, mỗi tháng anh Thành cung ứng ra thị trường 30 - 50kg trùn tinh với giá 100 - 120 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, anh còn sản xuất và cung cấp phân bón hữu cơ cho các hộ trồng rau và cây cảnh khu vực lân cận. Mỗi tháng tổng nguồn thu từ mô hình giúp anh Thành lãi 10 - 12 triệu đồng.

Từ thành công này, anh Thành chia sẻ kinh nghiệm với các hộ trong thôn. Hiện nay có 10 hộ đang áp dụng nuôi trùn lai theo mô hình khép kín và được anh Thành nhận bao tiêu sản phẩm.

Anh Hồ Minh Hiền - Bí thư Đoàn xã Tiên Cảnh cho biết: “Mô hình chăn nuôi khép kín của anh Nguyễn Văn Thành tại địa phương rất mới lạ và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, điều đáng quý là anh Thành sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của mình cho những thanh niên mong muốn khởi nghiệp từ chăn nuôi”.

Theo Đoàn Đạo-Quang Sơn/Danviet.vn