1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chàng trai không chân khởi nghiệp với thương hiệu xà phòng

Phạm Công

(Dân trí) - Mất đi đôi chân sau một tai nạn, anh Nguyễn Văn Chung (Hà Nội) vẫn luôn tự tin vươn lên trong cuộc sống. Vừa là vận động viên Paragames, anh còn tự khởi nghiệp với thương hiệu xà bông Sam - sôm.

Mẹ - nguồn động lực vô tận

Anh Nguyễn Văn Chung (SN 1984, ở xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội),  vừa trở về nhà sau một buổi luyện tập để chuẩn bị tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (Paragames) sắp tới.

Trong cửa hàng nhỏ thơm ngát mùi tinh dầu tự nhiên, nằm trên phố Đại La (Hai Bà Trưng, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Chung kể lại: “Tôi sinh ra là một người bình thường, với đôi chân khỏe mạnh cùng tài bơi lội rất giỏi. Thế nhưng ở cái tuổi đẹp nhất cuộc đời thì tôi mất đi đôi chân sau một tai nạn. Dù không còn đôi chân nhưng tôi vẫn cố gắng tự lập, không muốn là gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Cuối năm 2002,  trong một lần bắt cá ở trạm bơm của xã, anh Nguyễn Văn Chung vớt hộ người cùng làng chiếc cờ lê bị đánh rơi. Vô tình, anh bị cánh quạt máy bơm hút vào rồi xén mất đôi chân. Được mọi người kéo lên bờ, anh ngất lịm đi. Lúc tỉnh lại, anh thấy đang nằm trên giường bệnh với đôi chân đã bị cắt cụt.

Tâm sự của chàng trai không chân khởi nghiệp với xà bông

Sinh ra trong một gia đình nghèo với 6 anh chị em, bố mất sớm.  Tai nạn không ngờ tới khiến mẹ anh chết đứng. Nhưng người mẹ nghèo vẫn quyết định cứu anh cho bằng được.

Sau ca phẫu thuật, cậu thanh niên mười tám tràn đầy sức sống, phải nằm bất động 6 tháng trời trên giường bệnh. Không ít lần anh nghĩ đến chuyện kết thúc cuộc đời mình.

Chàng trai không chân khởi nghiệp với thương hiệu xà phòng - 1

Anh Nguyễn Văn Chung bị mất đi 2 chân do một vụ tai nạn dưới nước

“Thời gian nằm trên giường bệnh có lẽ là kinh khủng nhất cuộc đời tôi. Chỉ nghĩ đến việc không thể đi lại như bình thường, trong dầu tôi luôn nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời mình. Thế nhưng nhìn những giọt nước mắt của mẹ, sự cố gắng của bà để cứu sống tôi sau tai nạn lại thấy mủi lòng” - anh Nguyễn Văn Chung bộc bạch.

Những ngày tháng nằm giường bệnh, người mẹ già của anh luôn cận kề vừa chăm nom vừa kiếm tiền chạy chữa. Từ đó khiến anh tự nhủ mình phải cố gắng đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ.

Nhưng những ngày đầu tập bắt đầu cuộc sống mới với anh lại là một chuỗi ngày khó khăn khi mà anh bắt đầu với cuộc sống mới. Vì chân bị cắt cụt còn quá ngắn, tập đi chân giả khiến tôi vô cùng đau đớn, sau mỗi buổi tập ở đôi chân lại rỉ máu ra.

Chàng trai không chân khởi nghiệp với thương hiệu xà phòng - 2

Anh tìm đến việc sản xuất kinh doanh xà bông như một cơ duyên (ảnh NVCC) 

“Không thể di chuyển bằng chân giả, tôi tìm ra phương pháp phù hợp cho mình chính là xỏ dép vào và di chuyển bằng tay. Lúc đầu việc lấy thăng bằng cũng rất khó khăn, không ít lần tôi ngã lộn nhào, bầm dập mặt mày” - anh Nguyễn Văn Chung chia sẻ.

Vui sướng khi có thu nhập

Trong một lần tình cờ anh được một người bạn giới thiệu đến trung với Câu lạc bộ thể thao người khuyết tật TP Hà Nội. Nghĩ đến việc mất đi đôi chân do bơi, tràng trai trẻ khi ấy vừa tròn 20 tuổi quyết tâm sẽ khẳng định bản thân mình bằng chính môn thể thao bơi lội.

Không ngừng cố gắng luyện tập, hàng ngày Nguyễn Văn Chung đội nắng đội mưa đi xe lăn mấy km đến câu lạc bộ ở Phố Khúc Hạo luyện tập. Thế rồi, sự cố gắng nỗ lực chẳng phụ lòng anh. Chung được chọn vào danh sách chính thức của đoàn thể thao Việt Nam tham gia thi đấu tại Paragames năm 2003 và xuất sắc giành 2 huy chương bạc.

Anh Nguyễn Văn Chung nhớ lại: “Năm ấy tôi được giải thưởng là 30 triệu đồng. Vui sướng lắm tôi cầm cả về đưa mẹ sửa sang lại căn nhà bị dột sau mỗi trận mưa to. Từ khi ấy tôi không còn nghĩ mình là người khuyết tật nữa nên phải cố gắng nhiều hơn”.

Chàng trai không chân khởi nghiệp với thương hiệu xà phòng - 3

Mô hình sản xuất của anh tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở Nho Quan, Ninh Bình  (ảnh NVCC)

Không dừng lại ở đấy, liên tục ở các kỳ thi Paragames tại Philippines năm 2005, tại Thái Lan năm 2008 và Indonesia năm 2011, anh tiếp tục giành các huy chương vàng, bạc, đồng.

Cũng từ niềm đam mê với bơi lội và ý thức vươn lên tự lập đã đưa anh trở thành ông chủ của thương hiệu xà bông thiên nhiên, Sam-sôn.

Nguyễn Văn Chung kể: “Tôi cố gắng tập luyện ngày đêm, nhưng vì ngâm mình ở nước quá lâu, da của tôi trở nên khô ráp và nứt nẻ. Khi ấy tôi có một người bạn học chuyên ngành công nghệ sinh học, tặng một sản phẩm xà bông có chiết xuất từ thiên nhiên. Sau khi sử dụng tôi thấy làn da được cải thiện nhanh chóng. Tôi quyết định bắt tay với người bạn này để sản xuất ra những sản phẩm tương tự”.

Chỉ với số vốn vỏn vẹn 30 triệu đồng từ những giải thưởng khi đi thi đấu cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của người bạn, anh bắt đầu dấn thân vào sản xuất kinh doanh.

Anh đã lặn lội khắp nơi trên chiếc xe lăn để tìm nguồn nguyên liệu sạch nhằm sản xuất xà bông, như: Tinh dầu trùng ngây, phụ gia đường mía, muối tinh, dịch chiết quả chanh, mật ong, bột nghệ, phấn hoa, bột sả,… Những mẻ nấu đầu tiên, anh thực hiện bằng dụng cụ nấu ăn hàng ngày tại phòng trọ.

Anh Nguyễn Văn Chung chia sẻ:  “Khi bắt đầu vào làm, khó khăn cũng bắt đầu ập đến khi chúng tôi nấu hoàn toàn bằng thủ công nên việc căn giờ, lượng nhiệt rất khó, mất đến cả chục lần mới ghi chép lại được công thức cụ thể” .

Chàng trai không chân khởi nghiệp với thương hiệu xà phòng - 4

Sản phẩm được sản xuất thủ công bằng những nguyên liệu thiên nhiên rất được khách hàng ưa chuộng (ảnh NVCC)

Không dừng lại, việc lấy được lòng tin của khách hàng và tìm được đầu ra cho sản phẩm lại là một bài toán khó. Ban đầu, sản phẩm của anh được đem tặng người thân bạn bè để xin góp ý. Chất lượng tốt, mọi người đã giới thiệu cho nhau. Ngày càng nhiều người biết đến thứ xà bông thiên nhiên này, công việc kinh doanh của anh bắt đầu trở nên thuận lợi hơn.

Sau 3 năm chính thức bắt tay vào kinh doanh xà bông, đến nay, mỗi tháng xưởng sản xuất của anh cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 sản phẩm với giá 50.000 đồng/một sản phẩm. Nhiều đại lý ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà nẵng, Hải Phòng,…tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của anh.

Đến nay, xưởng sản xuất được anh Nguyễn Văn Chung đặt tại hợp tác xã Nho Quan, Ninh Bình. Nghề đã giúp tạo việc làm cho khoảng 30 xã viên với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Công việc của những xã viên là trồng cây hương liệu, triết xuất tinh dầu, và sản xuất sả phòng tại hợp tác xã. Đến nay,  anh cũng đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm xà bông Sam - sôm.