Thanh Hoá:
Chàng thanh niên kiếm hàng trăm triệu đồng từ chim bồ câu Pháp
(Dân trí) - Sau nhiều năm lăn lộn làm thuê nơi đất khách quê người, anh Vũ Thanh Thủy quyết định về quê theo đuổi niềm đam mê nuôi chim bồ câu Pháp. Vượt qua những khó khăn, nghề nuôi chim đã mang lại cho anh thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tốt nghiệp nghề sửa chữa ô tô, nhưng anh Vũ Thanh Thủy (SN 1986), ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) vào miền Nam làm nhiều nghề khác nhau như thợ mộc, bảo trì máy móc tại xưởng dệt.
Dù vậy, anh Thủy vẫn ấp ủ niềm đam mê nuôi chim. Những ngày đi làm thuê, anh Thủy thường mua những cuốn sách về kỹ thuật nuôi chim đọc, nghiên cứu để tích lũy kiến thức.
Sau nhiều năm lăn lộn làm thuê, năm 2009, anh Thủy về quê “khởi nghiệp” nghề nuôi chim bồ câu. Tài sản ban đầu chỉ là một số vốn tích luỹ ít ỏi.
Ban đầu, anh Thủy đầu tư làm chuồng, mua 200 đôi bồ câu Pháp về nuôi thử. Trong đó, anh vừa nuôi chim theo hình thức nhốt lồng và nuôi trong nhà lưới.
Vạn sự khởi đầu nan, 200 đôi chim giống ban đầu sau 1 thời gian chỉ duy trì được 16 đôi. Vốn hết, để có tiền trả nợ, anh Thủy lại khăn gói đi làm thuê, số chim còn lại để vợ ở nhà chăm sóc.
Sau một thời gian làm thuê, tích lũy được chút vốn, năm 2013, anh Thủy tiếp tục mua 80 đôi chim bồ câu Pháp sắp đến thời kỳ sinh sản từ Hà Nội về nuôi.
Lần này, anh đã rút ra nhiều kinh nghiệm sau thất bại ban đầu. Chỉ sau một năm, đàn chim bồ câu Pháp của anh đã sinh sôi lên 300 đôi.
Cuối năm 2014, anh Thủy quyết định nghỉ công việc làm thuê ở ngoài để về chuyên tâm vào việc nuôi bồ câu Pháp. Đồng thời, anh đã mở rộng thêm khu chuồng nuôi, chủ yếu trong khuôn viên vườn của gia đình.
Đến nay, mô hình của anh Thủy đã có khoảng 1.300 đôi bồ câu Pháp sinh sản. Nghề nuôi chim bồ câu Pháp đã mang lại thu nhập cho vợ chồng anh hơn 300 triệu đồng/năm.
Theo anh Thủy cho biết, chim giống 45-60 ngày tuổi tại trại nuôi của anh có giá 180-250 nghìn đồng/đôi; chim đã ghép đôi, thời gian nuôi 6-8 tháng thì có giá 500-700 nghìn đồng/đôi; chim từ 28-30 ngày tuổi có giá 110-130 nghìn đồng/đôi.
Với chim không còn khả năng sinh sản, có thể bán chim thịt với giá từ 110-130 nghìn đồng/đôi.
Theo anh Thủy việc phòng bệnh đối với chim hết sức quan trọng. Vì vậy, định kỳ phải tiêm vắc xin phòng bệnh, bổ sung thêm một số khoáng chất để chim khỏe mạnh. Khi phát hiện chim nhiễm bệnh phải tách riêng ra để chữa trị, tránh bị lây lan.
Thức ăn chủ yếu của chim bồ câu Pháp là ngô và cám công nghiệp. Mỗi ngày cho chim ăn 3 lần vào các khung giờ cố định với lượng thức ăn 60-80g/đôi/ngày. Đối với chim ở thời kỳ sinh sản thì có thể bổ sung thêm một ít thức ăn và chất dinh dưỡng.
Chuồng nuôi tuy đơn giản nhưng phải thiết kế sao cho mát về mùa hè, ấm, kín gió về mùa đông. Hệ thống chuồng được làm thành 4 tầng để tiết kiệm diện tích (diện tích chuồng/đôi chim thường là 0,5x0,5x0,5), có máng uống nước tự động.
Theo kinh nghiệm của anh Thủy, để chim thuần thục, nên ghép đôi từ thời điểm 45 ngày tuổi. Bồ câu Pháp nuôi được 6-8 tháng sẽ phát dục và bắt đầu đẻ lứa đầu tiên. Tuy nhiên, những lứa đầu (lứa 1, 2 và 3), khả năng ấp nở thường rất thấp nên những lứa này không nên cho ấp.
Đến lứa thứ 4, trứng sẽ được soi, nếu có phôi trống và cho vào máy ấp. Quá trình này cần cho bồ câu ấp trứng giả để không quên bản năng nuôi con sau này. Sau khoảng 19 ngày, trứng sẽ nở thành con và được đưa vào cho chim bố mẹ nuôi.
Thực tế, sau 13-15 ngày ấp trứng giả, người nuôi có thể tráo đổi con của những đôi nở trước cho đôi khác nuôi. Mục đích là để giảm thời gian chim ấp trứng, quay lại vừa nuôi con vừa đẻ lứa tiếp theo sớm nhất.
Với kinh nghiệm nuôi của mình, thường sau khoảng 30 - 35 ngày, bồ câu sẽ đẻ lứa tiếp theo. Nếu chăm sóc tốt, bồ câu Pháp có thể sinh sản bình quân 8-9 lứa/năm.
Bồ câu Pháp đang là vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao không chỉ cho anh Thủy mà còn cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Duy Tuyên