1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chậm lập hồ sơ điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội có phải nộp lãi?

Trường hợp đơn vị đã thực hiện trích, đóng vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật, nhưng chậm lập hồ sơ điều chỉnh số tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN thì không phải nộp tiền lãi chậm đóng.

 

Đơn vị ông Lâm Việt Hùng (Nghệ An) gặp vướng mắc như sau:

Tháng 1/2016, bà A có hệ số lương 2,86. Từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2017, bà A làm tổ trưởng tổ chuyên môn đến tháng. Tháng 9/2017, bà thôi giữ chức tổ trưởng. Trong thời gian đó, đơn vị vẫn đóng đầy đủ BHXH nhưng quên không báo tăng mức phụ cấp cho cơ quan BHXH.

Tháng 3/2020, khi rà soát lại quá trình đóng BHXH của bà A, ông Hùng thấy chưa báo tăng hệ số phụ cấp nên ông đã báo tăng lại. Ông Hùng hỏi, đơn vị ông có phải đóng lãi do quên báo tăng hệ số phụ cấp cho bà A không?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 122 Luật BHXH năm 2014 và Khoản 3 Điều 49 Văn bản hợp nhất Luật BHYT số 01/VBHN-VPQH ngày 10/7/2014, đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi tính trên số tiền và thời gian chậm đóng.

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, trường hợp sau 6 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương mới thực hiện truy đóng BHXH, BHTN thì số tiền truy đóng bao gồm số tiền phải đóng BHXH, BHTN và tiền lãi tính trên số tiền và thời gian truy đóng BHXH, BHTN.

Đối chiếu quy định nêu trên, nếu trường hợp đơn vị đã thực hiện trích, đóng vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật, nhưng chậm lập hồ sơ điều chỉnh số tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN thì không phải nộp tiền lãi chậm đóng.