“Cầu nối” giúp hơn 5,1 triệu lượt lao động có việc làm
(Dân trí) - Giai đoạn 2008 - 2017, 63 Trung tâm DVVL thuộc ngành LĐ-TB&XH đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 18,7 triệu lượt lao động, có hơn 5,1 triệu lượt có việc làm. Việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn giúp hơn 12 triệu lao động hưởng đầy đủ các quyền lợi chính đáng…
Đây là một trong nhiều kết quả được nêu trong Lễ kỷ niệm 10 năm hoạt động của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH). Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 1/8 tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đánh giá cao các kết quả thực hiện thời gian qua của Cục Việc làm, như: Tham mưu giúp Bộ LĐ-TB&XH về lĩnh vực việc làm, quản trị thị trường lao động, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, các hoạt động về dịch vụ việc làm, các chương trình hỗ trợ lao động yếu thế để đảm bảo mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”…
“Trong 10 năm qua, các hoạt động của Cục Việc làm đã đóng góp nhiều thành tựu trong nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhận xét.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đánh giá về hoạt động của Cục Việc làm (Nguồn: CVL)
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp lưu ý Cục Việc làm cần làm tốt hơn các nhiệm vụ trong thời gian tới, như: Tham mưu giúp Bộ LĐ-TB&XH hoàn thiện hơn nữa chính sách về lĩnh vực lao động việc làm, đặc biệt là bảo hiểm thất nghiệp. Triển khai hỗ trợ chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới, cho doanh nghiệp và người lao động. Không chỉ chú trọng vào các giải pháp xử lý hậu quả của thất nghiệp mà cần chủ động các giải pháp tạo việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp và lao động.
Ngoài ra, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng đề nghị Cục Việc làm cần chỉ đạo nâng cao hiệu quả năng lực hoat động của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm thuộc sự quản lý của ngành LĐ-TB&XH. Đồng thời, Cục cần tham mưu giúp Bộ xây dựng dự án hỗ trợ các nhóm lao động yếu thế trên thị trường lao động …đảm bảo mục tiêu việc làm bền vững trước tác động của cách mạng 4.0.
Theo ông Lê Quang Trung - Cục Phó Cục Việc làm, một điểm nhấn lớn của hoạt động trong 10 năm qua của Cục là việc tham mưu giúp Bộ LĐ-TB&XH xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời về việc làm, thị trường lao động, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp.
Trong đó có việc tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ, qua đó trình Quốc hội thông qua Luật việc làm có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015.
Ông Lê Quang Trung - Cục Phó Cục Việc làm nhận định về hoạt động trong 10 năm qua.
Đây là văn bản Luật đầu tiên quy định đầy đủ, điều chỉnh các quan hệ về việc làm, thị trường lao động, tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp. Đóng góp cơ sở pháp lý quan trọng nhằm hỗ trợ tạo cơ hội việc làm theo hướng tốt hơn cho người lao động trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập.
“Bên cạnh đó, từ năm 2009 tới nay, Cục đã tổ chức triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp một cách toàn diện với 4 chế độ. Đến nay, cả nước có gần 12 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 20,5% lực lượng lao động cả nước; gần 4 triệu lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp” - ông Lê Quang Trung cho biết.
Về quy hoạch hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm, Cục Việc làm đã tích cực, chủ động tham mưu trình Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1833/QĐ- TTg ngày 28.10.2015 phê duyết quy hoạch mạng lưới các trung tâm dịch vụ việc làm giai đoạn 2016- 2025.
Đến nay hệ thống 63 trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc ngành LĐ-TB&XH đã tư vấn, giới thiệu việc làm hơn 18,7 triệu lượt người, trong đó hơn 5,1 triệu lượt người có việc làm.
“Ngoài ra, Cục đã đảm nhiệm tốt nhiều nhiệm vụ được giao trong giai đoạn 10 năm qua, như: Tăng cường thực hiện tốt công tác quản lý lao động trong nước, tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và chỉ đạo, nhiều nội dung của Chương trình Mục tiêu Quốc gia về việc làm, Thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh cải cách ứng dụng CNTT trong cấp giấy phép lao động và thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, tham gia giải quyết kịp thời các vấn đề về lao động do sự cố biển ở miền Trung năm 2014…” - ông Lê Quang Trung cho biết.
Nhiệm vụ thời gian tới của Cục Việc làm
Theo ông Lê Quang Trung, thời gian tới, Cục Việc làm sẽ tập trung vào nhiều nhiệm vụ, như:
Tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách về lao động, việc làm, quản lý lao động phù hợp với định hướng phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập và thông lệ quốc tế; cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 28/NQ- TW ngày 23.5.2018 của Trung ương.
Xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các Chương trình, Dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho đối tượng thanh niên, phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi...;
Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; thu thập, cập nhật thông tin thị trường lao động đảm bảo chính xác, đầy đủ, kịp thời; chú trọng phân tích thông tin thị trường lao động và dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và cung ứng lao động đáp ứng cho doanh nghiệp; định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, thanh niên; thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Tăng cường và đẩy mạnh công tác quản lý lao động, nhất là lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và các nhóm lao động khác.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến các quy định pháp luật về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động với nhiều hình thức phù hợp và thiết thực. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật...
Việc làm