Câu lạc bộ tỷ phú lương 1 USD

Năm 1978, Chủ tịch tập đoàn Chrysler Lee Lacoccal là người đầu tiên tự nguyện nhận lương 1 USD nhằm thể hiện cam kết chèo lái công ty vượt qua khủng hoảng. Ý tưởng này đang được Giám đốc điều hành Apple Steve Jobs và nhiều CEO khác noi theo.

Richard Kinder, Giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng Kinder Morgan ở Houston, Mỹ, không hề nghèo. Kể từ khi cùng Bill Morgan thành lập tập đoàn trên vào năm 1997 cho tới nay, mức lương mà ông hưởng chỉ vỏn vẹn 1 USD mỗi năm. Ông còn dành phần lớn những khoản thưởng, cổ phiếu hay những cơ hội khác cho các đồng nghiệp của mình. Không có máy bay riêng hay xe hơi sành điệu, Kinder thậm chí còn dùng cả tài sản cá nhân của mình để đóng góp cho các chương trình phúc lợi của công ty.

 

Thế nhưng ông sống khá rủng rỉnh với số cổ tức từ 24 triệu cổ phiếu Kinder Morgan mà ông đang nắm giữ. Thu nhập hằng năm từ cổ phiếu của ông này lên tới 60 triệu USD. Cùng với sự lớn mạnh của tập đoàn trong thập kỷ qua, giá trị cổ phiếu Kinder Morgan gia tăng liên tục, tài sản của ông cũng tăng theo cấp số nhân.

 

8 CEO thuộc nhóm Standard & Poor 500 cũng hưởng lương 1 USD hoặc thậm chí ít hơn 1 USD trong năm 2006. Trong số đó có hai nhân vật nổi tiếng là Steve Jobs - CEO của hãng Apple và Eric Schmidt của Google. Ngoài ra còn có Jamer Robger - Giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng Duke và Richard Fairbank của Capital One Financial.

 

CEO gần đây nhất gia nhập câu lạc bộ 1 USD là John Mackey, của tập đoàn Whole Foods Market. Ông này đồng ý nhận mức lương 1 USD kể từ tháng 1 vừa qua.

 

Jerrold Perenchio, Giám đốc điều hành của Univision Communication và William Ford Jr, CEO của Ford Motor cũng chỉ ăn lương 1 USD cho tới tận năm ngoái khi hai ông này chuyển sang giữ vai trò chủ tịch tập đoàn.

 

Vậy câu hỏi đặt ra là điều gì khiến họ chấp nhận làm việc trên cương vị lớn lao mà chỉ với 1 USD lương bổng. Điểm chung của các CEO này chính là họ có trách nhiệm cá nhân cao, một hoài bão kinh doanh và khát vọng thể hiện năng lực trong việc đưa các công ty mà họ lãnh đạo ra khỏi khủng hoảng tài chính.

 

Với một số tỷ phủ họ làm việc không phải vì tiền mà chỷ yếu là để thỏa mãn sở thích cá nhân. Trước khi chấp nhận mức lương 1 USD, CEO của tập đoàn Whole Foods Market John Mackey  từng phát biểu: “Tôi làm việc cho Whole Foods không phải nhằm vào số tiền mà tôi có thể kiếm được mà bởi vì cảm giác sung sướng và thoải mái khi được lãnh đạo một tập đoàn lớn như vậy”.

 

Mốt trả lương thấp cho CEO không phải gần đây mới có. Lee Iacocca đã khởi xướng hình thức này từ năm 1978 khi ông là chủ tịch của tập đoàn Chrysler. Vào thời điểm đó, tập đoàn này đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và để cứu vãn, Iacocca đã tiến hành tinh giản biên chế, giảm lương cũng như cắt bỏ các khoản phúc lợi khác của công nhân. Bản thân ông cũng tự hạ lương của mình xuống mức chỉ còn 1 USD/năm. 5 năm sau đó, với sự hỗ trợ của chính phủ, Chrysler đã vượt qua khủng hoảng và dần tăng trưởng trở lại.

 

Tuy nhiên, nếu để ý sẽ thấy, ngày nay việc trả lương 1 USD phổ biến tại các công ty đang làm ăn thuận lợi hơn là các công ty đang gặp khó khăn. Jobs của Apple và Schmidt của Google là những ví dụ rõ ràng nhất. Ngày nay, thông điệp của mức lương 1 USD cũng đã thay đổi. Nếu như trước đây khi đề xuất lương 1 USD, Iacocca đã nói với nhân viên của mình rằng họ đang trong một trận chiến đấu để cùng tồn tại thì các CEO như Jobs lại đưa ra thông điệp rằng họ sẽ nỗ lực làm giàu cho công ty nếu những cổ đông khác cũng làm như vậy. Giờ đây, trách nhiệm của CEO ngày càng được nhấn mạnh, do đó chấp nhận lương 1 USD tức là họ đã đưa ra một cam kết mạnh mẽ đối với công ty.

 

Trên thực tế, dù chỉ hưởng lương 1 USD nhưng tổng thu nhập mà các CEO nhận được hằng năm vẫn là niềm mơ ước của bao người.

 

Theo K.G.

VnExpress/BusinessWeeks