Câu chuyện khởi nghiệp của những người phụ nữ không ngại tuổi tác
(Dân trí) - "Khi phụ nữ làm chủ" trở lại mùa 2 với những thí sinh truyền cảm hứng mạnh mẽ. Có người chỉ học hết lớp 3, người U70 vẫn khởi nghiệp. Họ khởi nghiệp bởi muôn vàn lý do khác nhau nhưng có chung một đích đến là khao khát đóng góp cho xã hội.
Một trong những nhân vật khiến khán giả ấn tượng và xúc động nhất trong hai tập đầu tiên của chương trình "Khi phụ nữ làm chủ" mùa 2 là chị Vi Thị Thuận ở Mai Châu, Hòa Bình.
Chị Thuận là người dân tộc Thái, mới chỉ học lớp 3. Xuất thân nghèo khó, không được học hành đầy đủ, kết hôn sớm, nhưng ở tuổi 52 chị đã trở thành bà chủ doanh nghiệp với gần 40 lao động.
Doanh nghiệp của chị Thuận ban đầu tập trung vào nghề dệt thổ cẩm truyền thống, chuyên sản xuất các mặt hàng lưu niệm. Dần dần, chị Thuận phát triển sang mảng du lịch, kinh doanh lưu trú, song song với việc đa dạng hóa sản phẩm nghề dệt. Chị Thuận may rèm cửa, chăn, ga gối, khăn trải giường, thảm trang trí từ vải dệt thổ cẩm cung cấp cho các khu nghỉ dưỡng.
Sau 16 năm khởi nghiệp, các sản phẩm của chị Thuận vừa bảo tồn và phát triển văn hóa người Thái, vừa giúp đỡ cho hàng chục đồng bào của mình thoát nghèo bằng nghề của cha ông. Nhiều người trong số họ là người khuyết tật.
Cũng sinh sống tại Hòa Bình và làm chủ một hợp tác xã có 100 lao động bản địa là bà Nguyễn Thị Bình. Khác với chị Thuận, bà Bình khởi nghiệp vào năm 2019, khi đã 65 tuổi.
Chứng kiến những người phụ nữ vùng cao đầu tắt mặt tối trên nương rẫy mà vẫn bị cái nghèo đeo bám, bà Bình quyết định phải làm một việc gì đó và tìm thấy đường đi với tinh dầu sả chanh. Một vùng nguyên liệu tại chỗ rộng lớn, lao động tại chỗ dồi dào đã được tận dụng đúng cách, tạo nên sản phẩm tinh dầu chất lượng với giá thành cạnh tranh trên thị trường.
Ở tuổi 70, người phụ nữ Mường vẫn đầy năng lượng khi nói về công việc kinh doanh của mình. Bà Bình tự tin với việc bán sản phẩm qua kênh truyền thống, không đưa lên sàn thương mại điện tử, với lý do sản phẩm thật sẽ có được khách thật.
22 thí sinh của mùa 2 "Khi phụ nữ làm chủ" có nhiều người tương đồng ở xuất phát điểm thấp nhưng vẫn mạnh dạn bứt ra vùng an toàn để làm kinh tế với động lực tự thân mạnh mẽ.
Không chỉ có chị Thuận, cô Bình, đó còn là chị Tuyết - bà chủ thương hiệu muối thảo dược Ngọc Long Thiềng Liềng - người đã biến khu vực vốn là nơi có nhiều diêm dân nghèo ở Cần Giờ (TPHCM) thành địa chỉ du lịch cộng đồng đặc sắc chỉ bằng việc thay đổi vùng nguyên liệu muối từ chế biến thực phẩm sang chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.
Dù mục đích làm giàu của 22 thí sinh trong chương trình là khác nhau, nhưng trên con đường đó, họ đều có chung khao khát đóng góp lợi ích cho xã hội, và qua đó đạt được sự làm chủ theo nghĩa đẹp đẽ nhất: sống một cuộc đời rực rỡ theo cách của mình.
Chị Quỳnh Nga - bà chủ Hợp tác xã Trái tim hồng - người khuyết tật đã 17 lần bị từ chối khi đi xin việc vẫn quyết tâm khởi nghiệp và tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người giống mình, chia sẻ: "Tại sao phải chờ đến lúc già mới được an nhàn, sung túc? Tại sao phải chờ đến kết thúc mới có hậu? Không, tôi không muốn già sẽ giàu. Tôi muốn giàu trước khi già".
"Khi phụ nữ làm chủ" 2024 là chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất với sự đồng hành của hai nhãn hàng Sunlight và Lifebuoy với mục tiêu nhằm tôn vinh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, quyết tâm phát triển kinh tế của các chị em trên mọi miền đất nước, với thông điệp "Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế".
Chương trình còn có sự phối hợp của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Khán giả có thể xem lại chương trình trên ứng dụng VTVGO hoặc Youtube VTV Shows của Đài Truyền hình Việt Nam.