1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cặp vợ chồng trẻ kiếm tiền tỷ trên vùng đất khó nhờ "lối đi riêng"

Hạnh Linh

(Dân trí) - Nhờ cách làm hay, nuôi gà kết hợp trồng cây ăn quả, cặp vợ chồng ở Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa kiếm cả tỷ đồng mỗi năm.

Cận tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, vợ anh Lê Ngọc Tân, ở Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng (gọi tắt là Làng thanh niên), trên địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân phấn khởi nhìn đàn gà sắp sửa xuất bán ra thị trường, ước tính thu nhập nửa tỷ đồng. Đây là thành quả bao năm vất vả khởi nghiệp của cặp vợ chồng trẻ.

Nhớ về cơ duyên đến với Làng thanh niên, anh Tân cho biết, năm 2017, trong một lần đi bán gà giống, anh nghe thông tin Tỉnh Đoàn Thanh Hóa đang tuyển đoàn viên, thanh niên lên xây dựng cuộc sống mới ở Làng thanh niên.

Cặp vợ chồng trẻ kiếm tiền tỷ trên vùng đất khó nhờ lối đi riêng - 1

Anh Tân vui mừng khi đàn gà lớn nhanh, ít bệnh, kịp bán vào dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (Ảnh: Hạnh Linh).

Với mong muốn đem sức trẻ, nhiệt huyết của mình đến vùng đất khó, anh Tân rời quê hương ở thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa mang theo ước mơ, hoài bão đến "miền đất hứa".

"Khi biết tôi có ý định lập nghiệp ở vùng đất khó, cả gia đình ai cũng cương quyết can ngăn. Với kinh nghiệm trong chăn nuôi, làm kinh tế, tôi được giao giữ chức Tổng đội phó Đội thanh niên xung phong. Nhiệm vụ hướng dẫn các đoàn viên, thanh niên khai hoang, phát triển kinh tế bằng việc thực hiện các mô hình", anh Tân tâm sự.

Theo anh Tân, dự án Làng thanh niên được triển khai đã thu hút hơn 140 đoàn viên, thanh niên tham gia nhưng nay chỉ còn 80 hộ. Nhiều đoàn viên, thanh niên không chịu được "nhiệt", phải bỏ làng, dang dở giấc mộng làm giàu.

Nhiều lần anh Tân cũng cảm thấy nản, song được vợ động viên, anh quyết tâm ở lại, âm thầm với khát vọng, niềm tin mãnh liệt biến vùng đất hoang vu trở nên trù phú.

Cặp vợ chồng trẻ kiếm tiền tỷ trên vùng đất khó nhờ lối đi riêng - 2

Loại gà Chíp Tàu của anh Tân được thị trường ưa chuộng (Ảnh: Hạnh Linh).

Trải qua bao gian truân, anh Tân là người duy nhất thành công, có thu nhập ổn định nhờ chọn "lối đi riêng". Anh Tân cho biết, nhận thấy các hộ dân trong vùng trồng keo, sắn, bí không hiệu quả nên anh chọn làm mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả.

Với 20ha đất được giao phụ trách, anh bắt tay vào xây dựng 4 chuồng nuôi gà, phát quang những khoảnh đồi trồng xoài, bưởi Diễn. "Mỗi năm trang trại nuôi 2 lứa gà Chíp Tàu với số lượng hơn 20.000 con/lứa. Toàn là gà trống, mào đỏ tươi, chân vàng óng, thịt lại thơm, ngon, được ưa chuộng trong các dịp lễ, Tết nên rất đắt hàng", anh Tân nói.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà, anh Tân cho biết, con giống phải tốt, có nguồn gốc rõ ràng. Quá trình nuôi phải được tiêm phòng vaccine ngay từ đầu. Một con gà Chíp Tàu từ khi nuôi đến khi xuất bán kéo dài hơn 4 tháng, có trọng lượng khoảng 3kg.

Cặp vợ chồng trẻ kiếm tiền tỷ trên vùng đất khó nhờ lối đi riêng - 3

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, bưởi Diễn của gia đình anh Tân quả to, chín đều (Ảnh: Hạnh Linh).

Ngoài ra, chuồng trại luôn đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ. Tại chuồng trại, anh Tân sử dụng đệm lót sinh học và phun thuốc khử trùng định kỳ để đảm bảo môi trường sống cho gà. Nguồn chất thải cũng được kiểm soát chặt chẽ từ quá trình thải ra, thu gom, đến khâu đóng bao bì và tái sử dụng để trồng cây ăn quả.

Theo anh Tân, năm nay thời tiết thuận lợi, hơn 5.000 gốc xoài sau 3 năm trồng, chăm sóc đã cho ra những quả bói đầu tiên, ngoài ra tại trang trại còn có hơn 1.000 gốc bưởi Diễn đang vụ thu hoạch.

"Bưởi năm nay chín đúng thời điểm, quả đều và năng suất cao hơn mọi năm. Từ cuối tháng 10 âm lịch, thương lái khắp nơi đã đến mua, dự tính đến giáp tết Nguyên đán sẽ thu hoạch xong, ước tính khoảng 1 tấn quả trong vụ này", ông chủ vườn cây cho hay.

Ngoài thành công từ mô hình nuôi gà kết hợp với trồng cây ăn quả, gia đình anh Tân tạo việc làm ổn định cho 2 lao động, mức lương 7 triệu đồng/tháng và 16 người làm việc thời vụ với tiền công 200.000 đồng/ngày.

Cặp vợ chồng trẻ kiếm tiền tỷ trên vùng đất khó nhờ lối đi riêng - 4

Thương lái đến tận vườn thu mua bưởi của gia đình anh Tân (Ảnh: Hạnh Linh).

Ông Lê Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết, anh Tân là người duy nhất ở Làng thanh niên thành công với mô hình phát triển kinh tế nuôi gà, kết hợp trồng cây ăn quả.

Bằng kinh nghiệm, sức trẻ, nhiệt huyết với nông nghiệp, anh Tân biến 20ha đất trống, đồi núi trọc thành trang trại nuôi gà, trồng cây ăn quả cho thu nhập tiền tỷ. Bên cạnh đó, gia đình anh còn tạo việc làm, thu nhập cho hàng chục lao động ở địa phương.

"Mô hình kinh tế của anh Tân lan tỏa tinh thần thanh niên dám nghĩ, dám làm, khát vọng lập thân, lập nghiệp nơi vùng đất khó", ông Tuyên nói.

Dự án Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng được Trung ương Đoàn Thanh niên phê duyệt đầu tư từ tháng 10/2007. Dự án do Tỉnh Đoàn Thanh Hóa làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí hơn 32 tỷ đồng.

Mục tiêu dự án là tiếp nhận 150 hộ gia đình trẻ, giải quyết việc làm cho 300 lao động trẻ; khai hoang trồng mới 470ha cao su, mía, rừng, sắn và hoa màu.

Ngày 5/9/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký quyết định thành lập thôn Thanh Niên trên cơ sở các hộ dân và diện tích của Làng thanh niên, có diện tích 600ha, gồm 124 hộ với 320 nhân khẩu.