Cửa Lò (Nghệ An):
Cạnh tranh smartphone, thợ ảnh trả “ảnh mềm” để khách đăng Facebook, Zalo
(Dân trí) - “Trước đây thợ chụp ảnh xong, trả và thu tiền. Nhưng nay, thợ còn phải trả thêm “ảnh mềm” (file ảnh) để khách đăng Facebook, Zalo”, ông Võ Thành Vinh, thợ ảnh tại bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) tiết lộ.
Xu hướng dùng điện thoại thông minh (smartphone) và mạng xã hội khiến nhu cầu thuê thợ chụp ảnh giảm. Thu nhập đi xuống, nhiều thợ ảnh tính chuyển nghề. Câu chuyện thợ ảnh tại bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) là một ví dụ.
Sau thời gian cách ly do dịch Covid-19, các hoạt động du lịch đang phục hồi tại thị xã biển Cửa Lò (Nghệ An).
Mới hơn 5h sáng, bãi biển đã nhộn nhịp khách đến tắm biển và ngắm cảnh. Nhiều người thợ chụp ảnh lưu niệm cũng bắt đầu một ngày làm việc mới.
Cứ mỗi tốp khách di chuyển xuống bờ biển, thợ chụp ảnh Mai Văn Tâm đều tìm cách tiếp cận để mời chụp ảnh. Tuy nhiên, những cái gật đầu đồng ý của khách rất hãn hữu.
“Trước đây khi thợ ảnh còn có giá, tôi cũng kiếm được hơn 30 triệu đồng/mùa du lịch. Nay công nghệ 4.0 phát triển. Điện thoại thông minh chụp ảnh vừa nhanh, vừa tiện, đẹp lại không mất tiền nên số khách thuê chụp giảm hẳn", người thợ ảnh có 20 năm làm nghề này tại bãi biển cho biết.
Theo anh Tâm, nhiều người cũng không thích in ảnh mang về trưng bày ở nhà. Thay vào đó, họ đưa ảnh lên Facebook, Zalo. Không mấy ai tha thiết việc thuê thợ chụp ảnh.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Võ Xuân Thông cho hay, do ít khách thuê nên thu nhập giảm sút, chỉ còn gần 1 nửa so với trước đây.
“Trước đây, mỗi tháng thợ ảnh cũng kiếm được 6-7 triệu đồng. Nay giỏi lắm cũng chỉ kiếm được 2-3 triệu/tháng”, anh Thông, người hơn 10 năm làm nghề chụp ảnh, tiết lộ.
Theo ông Võ Văn Thọ - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Cửa Lò, bãi biển Cửa Lò hiện có khoảng 50 lao động tham gia vào công việc chụp ảnh lưu niệm cho du khách. Số lao động này chủ yếu tập trung ở các phường Nghi Thu, Thu Thủy, Nghi Hương.
Theo anh Thông, ngày nay thợ chụp ảnh nhiều nên cạnh tranh cao. Hơn nữa, điện thoại ngày càng được nâng cao về tính năng quay phim chụp ảnh nên đa số du khách tự chụp chứ không thuê thợ.
Để thu hút khách, các thợ ảnh phải “tung” nhiều chiêu để lôi kéo.
Ngoài việc bám theo du khách để mời chụp, các thợ ảnh phải đầu tư thêm nhiều phụ kiện để phục vụ khách như thuyền, phao, kính mát... Thậm chí, có những thợ ảnh phải nhờ sự hỗ trợ của một người khác để quay clip, chụp ảnh bằng điện thoại theo yêu cầu của du khách.
“Trước đây thợ chụp ảnh xong thì in ảnh, trả cho khách và thu tiền. Nhưng nay, ngoài việc trả ảnh in còn phải trả cả “ảnh mềm” (file ảnh) để khách đăng Facebook, Zalo”, ông Võ Thành Vinh, thợ ảnh có thâm niên gần 20 năm tiết lộ.
Nghề chụp ảnh ngày càng khó khăn. Bởi vậy, ngoài một số thợ có cửa hàng ảnh riêng thì số không nhỏ thợ ảnh phải làm thêm công việc khác vào những mùa còn lại.
Hết dịp Hè, ông Võ Thành Vinh theo tổ thợ đi xây, kiếm mỗi ngày 250-300.000 đồng dù công việc không phải lúc nào cũng có thường xuyên.
Trước tình hình này, nhiều thợ ảnh dự báo, khoảng 5-6 năm nữa, nghề này sẽ không còn đất dụng võ.
“Nghề ảnh thì không mất được nhưng thu nhập ngày càng kém. Tôi gắng lắm chắc cũng theo nghề 5-6 năm nữa rồi tính chuyển sang công việc khác, có thu nhập ổn định hơn để lo cho gia đình”, anh Tâm trải lòng.
Hoàng Lam