Cảnh giác với những công ty “đường mật”

Chị Tiêu Khiết Lệ được Công ty xây dựng thương mại ĐH (Lạc Long Quân, phường 10, quận 11, TPHCM) tiếp nhận và giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phát triển với mức lương 500 USD/tháng và những hứa hẹn tốt đẹp khi công ty chính thức đi vào hoạt động.

Tuy nhiên sau khi xây dựng kế hoạch, liên lạc, tạo các đầu mối giao dịch... cho công ty xong thì lập tức chị vỡ mộng. Thay cho việc thực hiện lời hứa là những qui định khắt khe: hạ tiền lương của chị từ 500 USD xuống còn 5 triệu đồng; đi làm trễ bị trừ 5% lương; nghỉ bệnh có xin phép bị trừ nửa ngày lương...

 

Chịu không nổi chị xin nghỉ thì công ty đưa ra lý do: làm không đủ tháng thì không được lĩnh lương. Coi như chị Lệ mất trắng!

 

Giống như chị Lệ, chị Phương, anh Nghĩa cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự chỉ vì nghe những “lời đường mật” của công ty “à ơi” nào đó.

 

Không riêng Công ty ĐH, hiện nay có rất nhiều công ty khác cũng đang lợi dụng lao động bằng cách như vậy: tuyển dụng lao động có trình độ khi thành lập công ty với cam kết họ sẽ là trụ cột khi công ty đi vào hoạt động và hứa hẹn những đãi ngộ khá cao. Sau đó, khi đã lợi dụng được lòng nhiệt tình, sự cống hiến của họ, công ty đã đi vào ổn định, ngay lập tức, những nhân viên này bị loại bỏ.

 

Theo Sở Lao động - thương binh & xã hội TPHCM, trong những trường hợp như vậy rất khó để cho lao động tự bảo vệ quyền lợi vì không có căn cứ nào để chứng minh. Để đảm bảo quyền lợi cho mình, trong bất kỳ trường hợp nào, người lao động cũng nên đòi hỏi những thỏa thuận bằng văn bản với công ty.

 

Đơn giản có thể là giao kèo giữa hai bên về công việc cần làm, mức lương bên kia trả, thời gian làm việc và những điều kiện khác... Nhiều khi do chủ quan, cả tin, người lao động đã bị những “cô-ty-lưa” lợi dụng mà không biết kêu ai.

 

Theo Đông Hưng

Tuổi Trẻ