Cần Thơ: Trăn trở với công tác giải quyết việc làm
(Dân trí) - Là địa bàn vùng sâu, thuần nông nên việc giải quyết việc làm cho người lao động của huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) luôn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ lao động đi địa bàn khác tìm việc làm khá cao khiến cho nơi đây luôn trăn trở với công tác giải quyết việc làm.
Huyện Vĩnh Thạnh đang tập trung đào tạo lớp may công nghiệp chuẩn bị nguồn lao động cho nhà máy may
Năm 2014 phòng LĐTB&XH cùng với Trung tâm giới thiệu việc làm huyện mở được 9 lớp nghề phi nông nghiệp cho 284 học viên với các lớp nghề như may gia dụng, may công nghiệp; 6 lớp nghề nông nghiệp với 210 học viên, là các lớp nhân lúa giống, lúa năng xuất cao, trồng nấm rơm, chăn nuôi. Kết quả sau đào tạo nghề đã giải quyết việc làm được 86,84% lao động các ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Theo ông Đỗ Văn Phúc, Phó Phòng LĐTB&XH huyện Vĩnh Thạnh, Hội phụ nữ huyện có mô hình đan lục bình, làm neo tại thị trấn Vĩnh Thạnh; Hội nông dân có mô hình trồng lúa năng xuất cao ở xã Thạnh Quới, Thạnh Tiến, trồng nấm rơm xã Thạnh Lợi…
"Năm qua Phòng còn phối hợp với Công ty XD đầu tư Nam Á đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Công ty cam kết, ngoài nhận các lao động về làm, công ty còn giới thiệu lao động cho các đơn vị xây dựng khác trên địa bàn. Thu nhập của người lao động lớp nề phục vụ cho Cty XD đầu tư Nam Á từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/ngày" - ông Phúc nói.
Nhìn chung các lớp nghề nông nghiệp sau khi đào tạo, tỷ lệ có việc làm cao hơn các lớp phi nông nghiệp. Bà Lê Thị Bạch Tuyết Phó giám đốc Trung tâm đào tạo nghề và giới thiệu việc làm huyện Vĩnh Thạnh, “bắt bệnh” vì sao thời gian qua lớp nghề nông nghiệp có tỷ lệ việc làm cao hơn lớp phi nông nghiệp. Nguyên nhân chính là do lớp nông nghiệp có mô hình giải quyết việc làm còn phi nông nghiệp thì không.
Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Do là huyện vùng sâu, xa trung tâm, nên từ khi chia tách huyện (năm 2004) đến cuối 2014, Vĩnh Thạnh không có doanh nghiệp, nhà máy công nghiệp đóng trên địa bàn, khiến địa phương gặp nhiều thiệt thòi trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Luôn trăn trở về điều đó, năm 2015 này được UBND thành phố, Sở LĐTB&XH và các ban ngành tạo điều kiện, huyện Vĩnh Thạnh đã “kéo” được doanh nghiệp là nhà máy may công nghiệp của Tập đoàn may mặc Vinatex, đây cũng là cơ sở may công nghiệp đầu tiên về với địa bàn vùng sâu. Các cơ sở đầu tư vào địa bàn sẽ kéo theo nhiều dịch vụ khác phát triển rất có lợi cho địa phương...
Cũng theo ông Phước, nhu cầu của Nhà máy may công nghiệp Vinatex giai đoạn 1 sẽ sử dụng khoảng 1000 lao động phục vụ cho nhà máy, dự kiến giai đoạn 2 sẽ cần thêm khoảng 2.000 lao động. Hiện UBND huyện đang chuẩn bị quỹ đất khoảng 3ha cho doanh nghiệp xây nhà máy. Dự kiến khoảng giữa năm nay 2015 doanh nghiệp sẽ đi vào hoạt động.
Chị Minh Thư ở ấp Lân Quới 1, xã Thạnh Mỹ vui mừng khi nghe tin sắp có nhà máy may công nghiệp ở địa phương, bà Thu cho biết: "Có nhà máy may sẽ giải quyết được số lượng lớn lao động chưa có việc làm ở đây. Đặc biệt sẽ có nhiều con em của địa phương đi làm nghề may ở Bình Dương trở về. Đi xa làm lương có cao hơn nhưng tiêu xài tốn kém cũng chả có dư, ở gần nhà nếu tiêu xài hợp lý sẽ khá hơn"- Chị Thư nói.
Phạm Tâm