Cần thay đổi phương thức quản trị nhà trường trong giáo dục nghề nghiệp
(Dân trí) - “Từ trước đến nay, quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp vẫn theo hướng “trên bảo dưới nghe”, điều hành theo mệnh lệnh thế. Nhưng mà bây giờ xu hướng mới. Tức là quản trị theo hướng tăng cường sự tương tác nhiều chiều…”.
Đây là quan điểm của PGS, TS Mạc Văn Tiến, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) tại Hội thảo Giáo dục - VEC 2019.
Chương trình do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 20/9 tại Hà Nội.
Hội thảo năm nay có chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”, thu hút sự tham gia của nhiều diễn giả, nhà nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng.
Trong tham luận gửi tới chương trình, PSG.TS Mạc Văn Tiến chỉ rõ những tồn tại, bất cập trong quản trị nhà trường của hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, hệ thống còn thiếu một triết lý quản trị rõ ràng; chưa định hình được quản trị chiến lược, các định hướng, các đề án phát triển đường như theo một khuôn mẫu, thiếu tính khả thi, tính bền vững.
Đồng thời, quản trị nhà trường trong giáo dục nghề nghiệp còn thiếu tính tự chủ, nhất là tự chủ về nguồn nhân lực. Cuối cùng là tư duy quản lý cũ trong hoạt động đào tạo, từ việc xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo, quản lý việc dạy học của giáo viên và việc học tập của sinh viên.
Trên cơ sở của tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những thay đổi nhanh chóng trên thị trường lao động, PGS.TS Mạc Văn Tiến cho rằng cần có sự thay đổi trong phương thức quản trị nhà trường.
PSG.TS Mạc Văn Tiến đơn cử như mối quan hệ giữa Hội đồng trường với Hiệu trưởng, các thành viên nhà trường là phải là mối quan hệ tương tác.
Theo PGS, TS Mạc Văn Tiến, trong thời gian tới, những ngành nghề mà theo mô hình tăng trưởng mới của ta, nhân sự những ngành nghề mũi nhọn cần chú trọng là: Công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, logistics, lĩnh vực du lịch, môi trường…
“Một mặt là quản trị "cứng", tức là quản trị ra các quyết định một chiều. Bên cạnh đó, chúng ta cần nghiên cứu việc áp dụng quản trị "mềm". Tức là cần những tương tác giữa các chủ thể giữa các thành viên trong trường với nhau để hướng tới là sử dụng tài nguyên sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất, hướng tới mục tiêu là nâng cao chất lượng cơ sở những vụ việc trong thời gian tới” - PSG.TS Mạc Văn Tiến cho biết.
Đây là xu hướng đổi mới mạnh mẽ, phù hợp với chủ trương của Chính phủ, tức là cũng hướng từ cách quản lý theo mệnh lệnh sang quản lý theo phục vụ kiến tạo.
Theo PGS, TS Mạc Văn Tiến, giáo dục đào tạo cũng như doanh nghiệp phục vụ cho nền kinh tế. Do đó, nhu cầu của nền kinh tế ra sao thì giáo dục và đào tạo, đặc biệt là doanh nghiệp cũng phải đi theo hướng đó.
Khi đó, nền kinh tế cần những ngành nghề, lĩnh vực nào với trình độ nào thì hệ thống giáo dục và đào tạo phải hoạt động hướng theo kiểu đó.
“Do đó cần sự đồng bộ với nhau. Nền kinh tế phải tạo ra nhu cầu và cơ sở giáo dục cần nắm vững nhu cầu để bổ sung những lĩnh vực, ngành nghề phù hợp. Trên cơ sở đó, cơ sở đào tạo phải thích ứng ngay, nhưng muốn thích ứng được thì rõ ràng hoạt động quản trị cơ sở giáo, doanh nghiệp phải phải rất linh hoạt thì mới làm được” - PGS, TS Mạc Văn Tiến nói.
Tôi lấy ví dụ như chương trình đào tạo phải thay đổi thường xuyên mà giữ nguyên như cũ thì nghề thay đổi rồi yêu cầu về nghề thay nhu cầu về nhân lực ra thay đổi thì chúng ta lại không thích ứng được. Rồi việc tổ chức đào tạo, giáo viên phải rất linh hoạt thì mới đào tạo được đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Viết Lam